Phòng chống hạn mặn - Bài 1: Hạn mặn đến sớm đe dọa sản xuất, đời sống

08:35' - 15/01/2020
BNEWS Hạn mặn đến sớm đang đe doạ sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân tại Bến Tre và Vĩnh Long.
Bà Phan Thị Nhẫn, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm chủ động trữ nước ngọt để tưới cây trong những ngày nước sông bị mặn. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN 

Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dòng chảy mùa khô năm 2019-2020 từ thượng lưu sông Mê Công đổ về Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ở mức thấp kỷ lục nên khả năng xâm nhập mặn sẽ rất nghiêm trọng.

Đặc biệt, khu vực sông Cổ Chiên hai bờ của tỉnh Bến Tre – Vĩnh Long nước mặn đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài từ đầu tháng 12/2019.

Đợt hạn mặn này đến sớm hơn 1 tháng so với trung bình nhiều năm và độ mặn ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Do đó, các ngành chức năng hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long tăng cường giải pháp công trình, phi công trình, huy động sự tham gia của người dân trong ứng phó phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo an toàn cho sản xuất, ổn định đời sống.

Bài 1: Hạn mặn đến sớm đe dọa sản xuất, đời sống

Ngày 14/1, tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 72/QĐ-UBND về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn.

Từ những ngày đầu tháng 12/2019, nước mặn theo dòng sông Cổ Chiên xâm nhập sâu vào đất liền khiến hàng nghìn hộ dân trồng hoa cảnh Tết và cây giống tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre lo lắng vì không có nước ngọt để tưới cho cây.

Trong khi đó, tại tỉnh Vĩnh Long, mặn đến sớm khiến nhiều diện tích lúa Đông Xuân vừa xuống giống bị thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Nóng lòng, nhiều hộ buộc phải bơm nước mặn vào ruộng để cứu lúa. Ngoài ra, các hộ trồng cây ăn trái cũng “đứng ngồi không yên” vì mặn kéo dài, vườn cây đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới.

* Mặn xâm nhập sớm và sâu

Ông Nguyễn Văn Thặng, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm trữ nước ngọt, đồng thời sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước để tưới cây trong những ngày nước sông bị mặn. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN 

Theo UBND huyện Chợ Lách, người dân đang tập trung sản xuất vụ hoa cảnh Tết 2020 nhưng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, độ mặn tăng cao và ảnh hưởng gay gắt hơn năm 2015- 2016 (2 năm được đánh giá là hạn mặn lịch sử).

Huyện Chợ Lách chỉ còn 2/10 xã là Vĩnh Bình, Phú Phụng chưa bị ảnh hưởng của nước mặn. Độ mặn đo được tại các nhánh sông trên địa bàn huyện này đang ở mức cao.

Có những chỗ đo được hơn 4,6 phần nghìn; trước đó, có nơi đạt độ mặn hơn 6 phần nghìn. Mức độ mặn này chưa từng xảy ra so với cùng kỳ của các năm về trước.

Ông Phạm Anh Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết, hạn mặn đe dọa hơn 600 ha đất sản xuất với hơn 11 triệu sản phẩm hoa cảnh Tết đang vào chính vụ, hơn 30 triệu cây giống có nguy cơ thiếu nước tưới trong thời gian tới.

Đặc biệt, hạn mặn có thể ảnh hưởng đến 8.500 ha cây ăn quả đặc sản của khu vực Chợ Lách như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… Các loại cây này vừa mới phục hồi sau ảnh hưởng của đợt hạn mặn năm 2015-2016.

Hiện ngành chức năng huyện Chợ Lách hỗ trợ người dân khâu kỹ thuật trong canh tác nhằm giảm bớt thiệt hại do hạn mặn gây ra; kêu gọi người dân chủ động trữ nước tưới khi độ mặn tại các kênh rạch giảm, để phục vụ cho sản xuất trong thời gian tới.

Tại tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 6/12 đã ghi nhận độ mặn xâm nhập đến huyện Vũng Liêm và Trà Ôn; nồng độ mặn tiếp tục tăng và xâm nhập sâu vào nội địa. Trên sông Tích Thiện, huyện Trà Ôn ghi nhận độ mặn cao nhất đến 6,3 phần nghìn; ở huyện Vũng Liêm ghi nhận độ mặn từ 5,8-10 phần nghìn ở các xã ven sông Cổ Chiên; tại xã Chánh An, huyện Mang Thít cũng ghi nhận độ mặn cao nhất khoảng 5,8 phần nghìn.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong đợt xâm nhập mặn này, độ mặn tại nhiều nơi vượt đỉnh mặn từng ghi nhận trong năm 2016 - năm độ mặn đạt mức kỷ lục; đồng thời, mặn kéo dài hơn 10 ngày với nồng độ cao hơn gấp đôi so dự báo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm Lê Văn Đôi cho hay, lần đầu tiên tại huyện đo được độ măn cao kỷ lục 10 phần nghìn.

Trước tình hình mặn đến sớm và dự báo kéo dài, ngay từ ngày đầu mặn xuất hiện, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn ven sông Cổ Chiên đóng tất cả các cống, không cho nước mặn vào nội đồng; đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước sông tưới cho lúa và cây trồng.

Huyện đã tập trung tuyên truyền cho người dân nắm được mức độ ảnh hưởng của nước mặn đến sản xuất và đời sống; hàng ngày cử lực lượng đo độ mặn thường xuyên và thông báo cho người dân biết thông qua hệ thống loa không dây, tin nhắn...

Trong đợt này, nước mặn gây ảnh hưởng đến khoảng 1/3 diện tích của tỉnh Vĩnh Long, bao gồm hơn 30.000 ha đất sản xuất, thuộc phạm vi các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít. Như tại Mang Thít, độ mặn tại các sông trên địa bàn huyện lên sớm và tăng nhanh với phạm vi ảnh hưởng sâu hơn.

Tầm ảnh hưởng của mặn không phải 500 ha như đã dự kiến mà vượt lên trên 1.300 ha; ngoài ra còn có 6 trạm cấp nước rơi vào nguy cơ bị nhiễm mặn - Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.

* Sản xuất và đời sống người dân bị ảnh hưởng

Nước mặn xâm nhập nhanh và sâu vào hệ thông kênh mương nội đồng nên tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nhiều diện tích lúa mới xuống giống bị thiếu nước, cây lúa kém phát triển. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân phải chấp nhận bơm nước có nồng độ mặn thấp vào ruộng dù có nguy cơ ngộ độc cho cây lúa.

Ông Nguyễn Văn Sum, xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm cho biết, hầu hết diện tích lúa ở địa phương bị cắt nước từ những ngày đầu mới xuống giống vì các kênh nội đồng trong khu vực đều bị nhiễm mặn. Thiếu nước, cây lúa khô, yếu, có nguy cơ thiệt hại.

Nóng ruột cứu lúa, ông Sum cùng nhiều hộ dân buộc lòng phải bơm nước có độ mặn thấp để cứu lúa tạm thời.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, đợt xâm nhập mặn sớm vừa qua cũng gây nhiều khó khăn cho việc cung cấp nước sinh hoạt. Nhiều nơi buộc phải sử dụng nước nhiễm mặn để phục vụ ăn uống, tắm giặt.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm chia sẻ, nước mặn kéo dào hơn 10 ngày khiến chất lượng nước sạch bị ảnh hưởng.

Gia đình chỉ sử dụng nước sạchmáy để tắm giặt, còn việc ăn uống phải dùng nước mưa dự trữ từ trước nhưng cũng không còn nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài vài ngày nữa là không còn nước mưa dự trữ để dùng.

Nhiều người dân tại huyện Chợ Lách bất ngờ vì từ trước đến nay chưa từng bị xâm nhập mặn sớm đến thế nên không kịp trữ nước tưới cho cây.

Chị Nguyễn Thị Thuận, xã Long Thới, huyện Chợ Lách cho rằng, nước mặn xâm nhập sớm hơn 3 tháng so với hàng năm và người dân trở tay không kịp, nhất là các hộ trồng hoa cảnh.

Hiện hơn 2.000 chậu hoa cúc mâm xôi đang trong giai đoạn trổ bông - thời điểm cây cần nhiều nước tưới để cho ra hoa đẹp thì lại thiếu nước tưới. Bồn chứa nước dự trữ của gia đình chị Thuận để nấu ăn, sinh hoạt và cũng phải chia sẻ cho cây.

Nguồn nước ngoài kênh rạch đã bị mặn nên không dám tưới, nguồn nước dự trữ chỉ đủ để tưới khoảng 2 ngày. Đến lúc đó, buộc phải đổi nước để tưới cây. Chi phí chắc chắn tăng cao, trồng hoa cảnh năm nay sẽ bị lỗ vốn.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, Chợ Lách là địa phương cách biển xa nhất của tỉnh Bến Tre. Giai đoạn xảy ra hạn mặn gay gắt nhất vào năm 2015-2016 thì Chợ Lách có hai xã không bị ảnh hưởng.

Nhưng hiện nay, hạn mặn đã ảnh hưởng tương đương năm 2015-2016. Các ngành chức năng tại Chợ Lách đang tăng cường phối hợp người dân thực hiện các phương án ứng phó hạn mặn vào sớm như hiện nay./.

Bài 2: Chủ động ứng phó

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục