Phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi khi thời tiết chuyển mùa

16:09' - 15/12/2021
BNEWS Tỉnh Khánh Hòa đang tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo nhận định của cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 rất cao; trong đó, bệnh viêm da nổi cục có đường truyền lây phức tạp, khó kiểm soát; virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng còn lưu hành, tồn tại ở ngoài môi trường và trong đàn lợn khá cao, chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh.

Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật cuối năm tăng mạnh để phục vụ nhu cầu trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong khi điều kiện chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi nông hộ còn hạn chế; thời tiết chuyển mùa nên có nhiều yếu tố khiến dịch bệnh gia tăng…

UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng trên địa bàn tỉnh trong tháng 12/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điếm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt, bố trí kinh phí để tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022; cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.

Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho gia súc; rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, đảm bảo tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, bệnh tai xanh ở lợn...

Bên cạnh đó, các địa phương thành lập đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh động vật; tình hình vận chuyển, giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đồng thời, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, như bệnh lở mồm long móng trên bò xảy ra tại phường Cam Phúc Bắc, thành phố Cam Ranh; bệnh cúm gia cầm xảy tại xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh với số lượng gia cầm phải tiêu hủy là 933 con; bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 18 hộ thuộc 8 xã của 5 huyện, thành phố (Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, Cam Ranh và Nha Trang) số lượng lợn chết, bệnh buộc tiêu hủy là 430 con với khối lượng trên 19 tấn.

Đặc biệt, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện đầu tiên hồi tháng 7 tại huyện Khánh Vĩnh và sau đó lây lan đến 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tính đến ngày 15/11, bệnh này đã lan rộng tại 64 xã, 178 thôn, 780 hộ làm 1.189 con bò mắc bệnh; số chết phải tiêu hủy là 91 con với khối lượng trên 10 tấn.

Số liệu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong năm nay tỉnh có tổng đàn trâu, bò gần 79 nghìn con; đàn lợn hơn 264 nghìn con và đàn gia cầm gần 3,2 triệu con./.

>>>Đảm bảo 3 yếu tố phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục