Phòng vệ thương mại - lá chắn hiệu quả
Xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ trong thương mại quốc tế, tình trạng "cạnh tranh không lành mạnh" khiến các quốc gia đang đẩy mạnh sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Ngoài ra, do mức ưu đãi rất lớn của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA), nguy cơ hàng hóa xuất khẩu bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng gia tăng. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại và mang lại hiệu quả nhất định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại gây ra trước sự gia tăng đột biến, cạnh tranh không bình đẳng của hàng hóa nhập khẩu.
*Đối mặt cùng thách thức
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến thời điểm này Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 100 vụ việc chống bán phá giá, 18 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 35 vụ việc tự vệ.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ đang xử lý 13 vụ việc, tiếp nhận xử lý 6 vụ việc tiền khởi xướng. Cùng với đó, Bộ tiếp tục xử lý nhiều vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực thi hành với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Chu Thắng Trung, trước bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhiều lên.
Hơn nữa, hàng hóa là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vô cùng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cũng theo ông Chu Thắng Trung, nếu như trước đây chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mới bị kiện thì hiện nay ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Có thể nói, bất cứ hàng hóa xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại.
Đáng lưu ý, trong số các quốc gia “thường xuyên” áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường khó tính nhất, 30 vụ. chiếm tới 19%; tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ 21 vụ, chiếm 14%; Ấn Độ 20 vụ, chiếm 13% và EU 14 vụ, chiếm 9%…
Điển hình một số vụ việc có tác động tiêu cực đến sản xuất của doanh nghiệp trong nước như Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn, pin năng lượng mặt trời; Australia điều tra chống bán phá giá với dây thép; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam…
Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan cũng có dấu hiệu đẩy mạnh các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Nhiều dòng sản phẩm bị áp thuế bổ sung ở mức 25%, 35%, thậm chí lên tới từ 200-250%.
*Chủ động ứng phó
Nguyên nhân là do việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đòi hỏi đáp ứng quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và pháp luật Việt Nam; hạn chế trong tập hợp lực lượng, thống nhất quan điểm của các ngành sản xuất trong nước.
Ông Lê Triệu Dũng cho biết thêm, thời gian gần đây năng lực phòng vệ thương mại của các ngành sản xuất cũng như xuất khẩu đã được cải thiện đáng kể.
Hầu hết các doanh nghiệp đều có thái độ tích cực hợp tác trong suốt quá trình điều tra của cơ quan điều tra phòng vệ thương mại. Không những thế, không ít vụ việc doanh nghiệp còn tự chủ động tìm tư vấn, hỗ trợ từ phía luật sư thương mại quốc tế hay Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, số lượng đơn yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, song số lượng cán bộ trực tiếp tham gia điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại còn mỏng, nhiều cán bộ mới dẫn tới những khó khăn nhất định trong việc điều tra.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần nhìn nhận các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu là một xu thế khó tránh khỏi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Do đó, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động để kịp thời thực hiện các giải pháp cụ thể, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và phát triển thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi xướng; giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, nhất là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và đã từng kiện hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại để có kế hoạch cụ thể trong quá trình ứng phó vụ việc./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với ngành gỗ có xu hướng tăng
11:51' - 23/06/2020
Bộ Công Thương đang tích cực hỗ trợ ngành gỗ xử lý điều tra chổng lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ.
Tin cùng chuyên mục
-
Doanh nghiệp
Giảm tình trạng cắt điện tại miền Bắc
18:55' - 10/06/2023
Tình trạng cắt điện ở miền Bắc được giảm bớt nhờ việc huy động các nhà máy nhiệt điện thêm 1.000 MW. Sự cố tại một số tổ máy nhiệt điện đã được khắc phục thành công.
-
Doanh nghiệp
Ba thách thức trong cung ứng điện - Bài cuối: Chính sách giá điện tính đúng, tính đủ
18:36' - 10/06/2023
Giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng chưa thực sự phản ánh đúng bản chất giá cả thị trường, dẫn đến quan hệ cung - cầu méo mó.
-
Doanh nghiệp
Ba thách thức trong cung ứng điện - Bài 2: Nút thắt từ cơ chế đầu tư
18:34' - 10/06/2023
Thủ tục đầu tư các dự án điện rất chậm, có dự án trình 1 - 3 năm chưa duyệt xong. Do vậy có thể thấy rõ 7 - 8 năm nay miền Bắc không khởi công một nhà máy điện mới nào lớn
-
Doanh nghiệp
Ba thách thức trong cung ứng điện - Bài 1: Méo mó quan hệ cung - cầu
18:33' - 10/06/2023
Thách thức lớn nhất trong hệ thống điện hiện nay là tại miền Bắc hầu như không có nguồn điện mới được đưa vào
-
Doanh nghiệp
EU ban hành quy định mới với một số sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng
17:25' - 10/06/2023
Các mặt hàng phải thực hiện nghĩa vụ giải trình gồm gia súc, ca cao, cà phê, cọ và dầu cọ, cao su, đỗ tương, gỗ.
-
Doanh nghiệp
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tại Kon Tum vươn tầm phát triển
17:14' - 10/06/2023
Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tiếp tục đồng hành cùng chính quyền các cấp trong phát triển của doanh nghiệp và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên của tỉnh Kon Tum.
-
Doanh nghiệp
Co.opmart tổ chức lễ hội trái cây và giảm sâu nhiều mặt hàng
16:55' - 10/06/2023
Các Co.opmart, Co.opXtra tổ chức "Lễ hội trái cây" với hàng trăm mặt hàng trái cây Việt Nam được trưng bày để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn và dùng thử ngay tại chỗ.
-
Doanh nghiệp
Petrolimex đặt mục tiêu tăng 42% lợi nhuận năm 2023
16:20' - 10/06/2023
Năm 2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.228 tỷ đồng, tăng 42% so với thực hiện của năm 2022.
-
Doanh nghiệp
PV Power đặt mục tiêu sản xuất điện đạt 1.434 triệu kWh trong tháng 6
16:13' - 10/06/2023
Trong tháng 6 này, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã chứng khoán POW) đặt mục tiêu sản xuất điện đạt 1.434 triệu kWh và tổng doanh thu là 2.674 tỷ đồng