Phòng vệ thương mại nhưng vẫn phù hợp cam kết hội nhập

07:08' - 25/04/2016
BNEWS Doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại mà vẫn phù hợp với các cam kết hội nhập khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP hay các Hiệp định thương mại tự do khác.
Phòng vệ thương mại nhưng vẫn phù hợp cam kết hội nhập. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương -TPP hay các Hiệp định thương mại tự do là cánh cửa rộng mở để các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu nhưng cũng là thử thách khi hàng hóa các nước tràn vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại mà vẫn phù hợp với các cam kết hội nhập.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên BNEWS đã phỏng vấn ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.

BNEWS: Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ là lá chắn bảo hộ hiệu quả cho hàng hóa trong nước nhưng có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu chủ động với các biện pháp này. Xin ông cho biết đâu là lý do?

Ông Nguyễn Phương Nam: Phải nói rằng phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) không phải là một thuật ngữ quá xa lạ với cả doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Chúng ta đã nghe nhiều về việc một số nước kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm, cá basa hay tôn thép từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa bức tranh về phòng vệ thương mại, nửa còn lại là việc doanh nghiệp Việt Nam chủ động yêu cầu điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi nhận thấy các dấu hiệu phù hợp.

Cho đến nay, số vụ các doanh nghiệp Việt chủ động yêu cầu khởi kiện còn quá ít so với các vụ việc Việt Nam bị kiện.

Thực tế, tổng số vụ điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu ở Việt Nam vào khoảng 100 vụ, trong khi đó, Việt Nam mới chỉ sử dụng công cụ này 5 lần với 3 vụ kiện tự vệ và 2 vụ kiện chống bán phá giá.

Việc các doanh nghiệp còn thiếu chủ động, chưa quan tâm trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có thể xuất phát từ một số lý do như tâm lý “ngại kiện tụng”, doanh nghiệp chưa có đủ kiến thức về điều kiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chưa biết cần liên lạc với cơ quan nào khi muốn sử dụng công cụ này và hơn hết là doanh nghiệp chưa thực sự đoàn kết với nhau.

Về phía cơ quan quản lý, đây là lĩnh vực rất phức tạp, mới và khó khăn trong khi Cục Quản lý cạnh tranh vẫn là một cơ quan non trẻ so với các nước trên thế giới nói chung.

BNEWS: Có ý kiến cho rằng Việt Nam nằm trong số nước ít áp dụng phòng vệ thương mại, điều này sẽ gây thiệt thòi cho nền kinh tế và nguyên nhân có phần nhiều lỗi của nhà quản lý. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Phương Nam: Các biện pháp phòng vệ thương mại là "bùa bảo hộ" để bảo vệ "lợi ích chính đáng" của ngành sản xuất trong nước. Cục Quản lý cạnh tranh chỉ thực hiện các vụ điều tra khi hồ sơ yêu cầu của doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam là phù hợp với mục tiêu tích cực của thương mại tự do. Tuy nhiên, nếu lạm dụng các biện pháp này sẽ bóp méo mục tiêu tích cực ban đầu của nó.

Thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh luôn nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Bằng chứng là việc Cục Quản lý cạnh tranh đã tự hoặc phối hợp với đơn vị khác nhau nhằm tổ chức các khóa đào tạo, các buổi tham luận trước các doanh nghiệp trong cả nước.

Cục cũng phát hành các ấn phẩm để tuyên truyền hiệu quả về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan cũng như nguồn lực hạn chế nên không thể nói rằng việc tuyên truyền tư vấn đã hiệu quả 100%, song chúng tôi tin rằng nhận thức của doanh nghiệp Việt về phòng vệ thương mại đang có những chuyển biến đáng ghi nhận.

BNEWS: Nhiều ý kiến cho rằng, phòng vệ thương mại không phải là “cuộc chơi” của mỗi doanh nghiệp riêng lẻ, mà là “cuộc chơi tập thể” hay nói cách khác là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Phương Nam: Khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh không đặt ra vấn đề bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp nào mà là bảo vệ nền sản xuất của một quốc gia hay ngành sản xuất thuộc một lĩnh vực nào đó.

Để bảo vệ nền sản xuất hay ngành sản xuất thì tất cả các doanh nghiệp của ngành sản xuất phải cùng hưởng ứng, cùng mang tính cộng đồng để góp chung cho lợi ích của ngành hay một nền kinh tế quốc gia.

Trong bất kỳ một cuộc chơi nào, sự đoàn kết của những nhóm doanh nghiệp có chung mục đích cũng sẽ mang lại một kết quả tốt hơn sự riêng lẻ và việc áp dụng phòng vệ thương mại cũng không phải là ngoại lệ.

Việc đoàn kết không những mang lại tiếng nói chung mạnh mẽ mà còn giúp các doanh nghiệp san sẻ một phần các chi phí phát sinh trong quá trình vụ việc điều tra.

BNEWS: Về phía các doanh nghiệp thì cần có sự thay đổi nào trong việc sử dụng cũng như ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Phương Nam: Các doanh nghiệp sản xuất trong nước nên coi việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là một chiến lược kinh doanh trong thời kỳ hội nhập.

Chúng ta không lạm dụng nhưng phải tận dụng triệt để, hiệu quả các biện pháp này khi hàng hóa nhập khẩu cố tình cạnh tranh không công bằng hoặc nhập khẩu ồ ạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất trong nước.

Để thực hiện được điều này, các doanh nghiệp phải chuẩn hóa hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tổng hợp số liệu theo yêu cầu của Cục Quản lý cạnh tranh một cách nhanh chóng và chuẩn xác nhất.

Tiếp theo, bộ phận pháp chế của doanh nghiệp hoặc luật sư tư vấn của doanh nghiệp cần có sự hiểu biết nhất định về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như có cơ quan xử lý khi phát sinh nhu cầu.

Về phía cơ quan quản lý, Cục Quản lý cạnh tranh là đơn vị đầu mối của Chính phủ trong cả vấn đề khởi kiện và kháng kiện các vụ việc phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp có thể liên lạc về địa chỉ: Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), 25-Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Số điện thoại 04.222.05.002; Fax: 04.222.05.003; Website: http://www.vca.gov.vn/ hoặc http://www.qlct.gov.vn/

BNEWS: Thưa ông, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp căn bản nào nhằm giúp các doanh nghiệp nắm vững và sử dụng hiệu quả các công vụ phòng vệ thương mại?

Ông Nguyễn Phương Nam: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiến sẽ triển khai nhiều hoạt động đa dạng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức cũng như áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng vệ thương mại, nâng cấp các quy định này ở tầm Luật. Tiếp tục phối hợp với các tổ chức liên quan mở rộng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nhận biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tiếp tục công bố các thông tin công khai, minh bạch để các bên quan tâm có thể tiếp cận đồng thời tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong cả việc khởi kiện và kháng kiện.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục