Phóng viên kinh tế: Từ trời cao tới dưới hầm sâu!

07:00' - 21/06/2020
BNEWS Để giúp bạn đọc có một cái nhìn mới về thông tin kinh tế, những phóng viên kinh tế chúng tôi không những lăn lộn thâm nhập thực tế, xuống cơ sở mà còn vào những nơi gian nan nhất, nguy hiểm nhất.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, để viết được một bài báo hấp dẫn người đọc không hề đơn giản, nhất là viết về kinh tế với những con số khô khan hay thông tin được lấy từ các báo cáo hay hội nghị hội thảo.

Tuy nhiên, để có những bài viết không khô cứng, biến những vấn đề kinh tế khô khan, những con số trở nên sinh động hấp dẫn người đọc, giúp bạn đọc có một cái nhìn mới về thông tin kinh tế, những phóng viên kinh tế chúng tôi không những lăn lộn thâm nhập thực tế, xuống cơ sở mà còn vào những nơi gian nan nhất, nguy hiểm nhất. Những con số vô cảm về kinh tế sẽ luôn đầy ắp hơi thở cuộc sống sẽ thật quý giá.

*Từ trời cao…

Nhớ lắm, tháng 2/2009, đoàn nhà báo chúng tôi được theo đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, được trèo lên tận đỉnh tháp Cracking dầu khí cao hơn 80 mét (so với mặt biển) của Nhà máy.

Nói thật là lên đến đỉnh tháp thì phóng viên cũng mũi mồm tranh nhau thở, mặt đỏ phừng phừng nhưng đứa nào đứa nấy cũng sung sướng ra mặt bởi được “check in” ở một địa điểm cực kỳ đặc biệt-nơi mà khi Nhà máy đã vào hoạt động thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Lại nhớ cuối tháng 12/2010, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh) làm lễ lắp đặt bao hơi. Cả đoàn nhà báo tầm chục người nhưng chỉ có một phóng viên nam và một phóng viên nữ duy nhất là tôi dám liều mặc bộ áo bảo hộ nặng trịch, toàn dây cáp to đùng để leo giàn giáo lên nóc nhà máy nhiệt điện. Mỗi một tầng leo lên là chúng tôi lại phải thao tác an toàn móc cáp vào giàn giáo để tránh bị gió thổi bay người.

Sau gần 1 tiếng ì ạch leo giàn giáo trong điều kiện nguy hiểm như vậy, chúng tôi đã lên tới nóc nhà máy điện này. Sự vượt khó đã được bù đắp! Chỉ có chúng tôi-những phóng viên dám leo lên nóc nhà máy mới có được những tấm ảnh độc quyền toàn cảnh nhà máy và lễ lắp đặt bao hơi bởi vào thời điểm đó, flycam chưa phổ biến như bây giờ nên không leo lên thì đồng nghĩa với việc không có ảnh độc.

Cuối năm 2018, sau hàng chục năm miệt mài theo ngành, chúng tôi đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) “tri ân” bằng một chuyến bay từ đất liền ra giàn khoan dầu khí ngoài biển khơi. Đây đúng là một phần thưởng đặc biệt bởi không phải cứ là phóng viên theo ngành dầu khí thì sẽ tự động được ra giàn khoan, nhất lại là giàn khoan xa nhất của PVN (cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300 km về phía Đông Nam).

Theo tiết lộ của ngành thì ngoài những khó khăn ngặt nghèo về mặt thủ tục, chứng nhận an toàn này nọ qua nhiều cấp phê duyệt thì mỗi suất bay ra giàn xa như vậy tốn cả vài nghìn USD. Còn nhớ lắm, sau gần 2 giờ bay trên trực thăng từ sân bay Vũng Tàu ra biển, mỏ Chim Sáo đã hiện ra với những cần cẩu, trụ ống của giàn khoan và vòi đốt khí lửa cháy bùng bùng.

Chỉ hai đêm ở trên giàn khoan ngoài biển khơi trong điều kiện không sóng điện thoại, không internet, cùng theo ca “12 giờ làm, 12 giờ ngủ” của người lao động dầu khí trên giàn khoan, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng, sự gian khổ không thể mô tả thành lời của những “người đi tìm lửa” giữa trùng khơi, vì những dòng dầu quý giá cho Tổ quốc.

Nào là phải đóng nguyên bộ bảo hộ dày cộp trong môi trường nắng gắt, nào là phải đội mũ bảo hiểm đặc biệt nặng đến hơn 1 kg ở trên đầu, nào là phải đi giầy có khung sắt với đế dầy cộp như móng ngựa để bảo vệ chân và chống trơn trượt trên giàn khoan, nào là kính bảo hiểm, nào là bông nút tai, nào là găng tay có sợi sắt đan bên trong…vô vàn các đồ bảo hộ mà nhớ thôi cũng đã mệt nhưng bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo an toàn không bị trượt chân ngã xuống biển khi đi lại trên giàn khoan.

Nhưng những điều này chả thấm vào đâu với nỗi cô đơn trống trải khi sống trên giàn khoan cách biệt với đất liền, xa gia đình, xa mọi hoạt động vui chơi giải trí. Tôi đã phải quay mặt khóc khi nghe một cậu kỹ sư trẻ tâm sự rằng bốn lần yêu thì cả bốn lần người yêu đều đi lấy chồng vì không muốn hoá thành Hòn Vọng Phu, tháng tháng mòn mỏi chờ người đi biển.

Tôi vẫn nhớ mãi cái cảm giác thật tự hào khi nghe ông kỹ sư người Anh của Công ty Premier Oil ở mỏ Chim Sáo chia sẻ lúc tiễn tôi trở về đất liền “Bạn là phụ nữ đầu tiên được phép đặt chân lên giàn khoan này đó. Cũng vì bạn là phụ nữ duy nhất trên giàn khoan với hơn 200 kỹ sư và nam công nhân nên ngài phụ trách giàn khoan người Anh đã phải nhường cả phòng VIP duy nhất có nhà vệ sinh riêng cho bạn ở đó”.

Nhưng không phải chuyến công tác nào cũng suôn sẻ cả!

 

Lại nhớ chuyến đi công tác tại công trường Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng) cuối năm 2019, cả nhóm phóng viên đã thót tim khi xe ô tô sa lầy vào một ổ voi sâu hoắm toàn bùn, mất cân bằng và nguy cơ lật xe trong gang tấc.

Cả nhóm chả ai bao ai nhảy vội ra khỏi xe, phi thẳng xuống thẳng ruộng bùn, hè nhau đẩy xe giúp bác tài thoát hố. Cái kết là quần áo, mặt mũi đứa nào đứa nấy lấm lem toàn bùn.

Trong gần 15 năm theo ngành “khoan khoan hút hút”, dù những chuyến công tác chỉ là đi đến các công trình xây dựng, các nhà máy sản xuất, các giàn khoan toàn sắt thép cứng quèo nhưng với chúng tôi đó lại là những trải nghiệm quý giá, giúp tôi hiểu ngành hiểu nghề.

*Chúng tôi vào lò

“Khi chúng tôi vào lò, thấy càng yêu cuộc sống. Vùng than ơi vùng than. Năm tháng qua đi, bao nhiêu mùa than sẽ chiến thắng, lứa tuổi chúng tôi từ muôn phương tới, với tình yêu thủy chung. Vững thêm bước chân đi vào lò…”. Câu hát đưa phóng viên chúng tôi đến với Quảng Ninh và nơi đây đã để lại ấn tượng sâu sắc về một vùng đất có lịch sử truyền thống vẻ vang của công nhân vùng mỏ.

Còn nhớ cách đây vài năm, theo chân các kỹ sư của Công ty cổ phần Than Mông Dương thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), chúng tôi đã có những phút giây ngắn ngủi nhưng đầy thú vị trong lòng đất với thợ mỏ.

Sau khi vào thùng cũi skip, chỉ chưa đầy mười phút, chúng tôi đã có mặt tại điểm có mức - 97,5 mét so với mực nước biển. Theo phản xạ, tôi hít căng lồng ngực. Một công nhân đang bịt kín khẩu trang nhắc nhở: “Hít vừa vừa thôi nhà báo, hít nhiều càng nhiều bụi than vào phổi đấy!”.

Dưới ánh đèn sáng le lói nhưng vẫn đập vào mắt tôi là kíp từ 3 – 4 công nhân mặt mũi đen nhẻm đang hối hả cào than. Những tiếng thở dồn dập cùng với tiếng cuốc chim bổ vội vã xuống gương than nghe chan chát. Một công nhân hồ hởi khi thấy có “khách” đến thăm nhưng vẫn không quên nhắc nhở: “Chị chú ý nhé, mọi việc ở dưới này phải tuân thủ tuyệt đối, không thể tùy tiện làm điều gì, chỉ một chút sơ suất thôi là có thể gây nguy hiểm cho hàng trăm, hàng nghìn người đang làm việc dưới này”.

Cả hệ thống hầm lò Mông Dương như một thành phố thu nhỏ, nơi đây có cả ga xe điện ngầm mà mỗi toa mini chứa được khoảng mười người. Hệ thống đường ray tỏa đi khắp các ngóc ngách vừa đưa đón công nhân vừa vận chuyển than. Vách lò được xây bằng bêtông kiên cố.

Sau khi thăm một số hầm trạm Trung tâm, chúng tôi tiếp tục di chuyển xuống mức - 250 m để đến tận các lò chợ. Khắp các đường lò, trong tiếng máy ầm ầm các hoạt động nghiệp vụ từ kiểm tra khí, gió, đo áp lực đường lò cho đến khấu than tại lò chợ… tất cả đều trong một guồng máy liên tục.

Gần đây, tôi lại có dịp may mắn khi được đến thăm Công ty cổ phần Than Núi Béo. Đây là doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò. Mặc dù đã được TKV có công điện báo là phóng viên xuống lò, nhưng các anh chị tại Công ty cổ phần Than Núi Béo không dấu nổi sự lo lắng vì không biết sức khỏe của phóng viên nữ liệu có đủ để xuống lò  hay không.

Sau khi thuyết phục, chúng tôi được lãnh đạo công ty đồng ý cho xuống lò tác nghiệp nhưng với điều kiện “an toàn là trên hết” có vấn đề về sức khỏe phải lên ngay bởi trước đã từng có trường hợp phóng viên xuống lò gặp sự cố về sức khỏe. Trước khi vào lò, chúng tôi được các anh cho vào học lớp an toàn tự sơ cứu, sử dụng bình tự cứu nếu như gặp sự cố.

Nai nịt gọn gàng,  quần áo bảo hộ, ủng, mũ, cùng với đèn pha và bình tự cứu,  chúng tôi như những thợ lò thực sự chuẩn bị vào ca. Qua cổng kiểm tra an ninh, sau khi làm thủ tục để lại tất cả các thiết bị máy móc như điện thoại, máy ghi âm… chúng tôi bước tới cửa lò. Cả đoàn cứ ơ với a vì nếu thu hết “vũ khí” như vậy thì làm sao tác nghiệp được. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn phải làm theo vì đây là quy định đến an toàn cháy nổ trong hầm lò.

Tại cửa lò, nhiều ánh mắt thợ lò chuẩn bị vào ca nhìn chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy trong đám đông có hai nhà báo nữ. Có những âm thanh thốt lên khe khẽ “Ồ, có nữ xuống lò kìa, vui thế”. Theo các anh chị công tác ở Công ty cổ phần Than Núi Béo, trước đây, khi vào hầm lò, công nhân không đứng được mà phải đi còng lưng hoặc là gập người, hoặc là ngửa người chui qua.

Công nhân mỏ cũng vào theo cách đó, khi chuyển than ra cũng vậy, rất vất vả. Nhưng nay, hệ thống lò giếng đứng rộng và thoáng hơn, được chống lò bằng vì neo. Nếu so với việc sử dụng công nghệ chống bằng lò sắt trước đây thì áp dụng công nghệ này đã giảm áp lực, giữ sức khỏe cho người lao động, khiến thợ lò yên tâm hơn, duy trì được sức làm việc. Xuống lò không còn cảm giác ngột thở vì thiếu dưỡng khí như trước.

Vừa bước qua cửa lò, điều đầu tiên cảm nhận là gió thổi rất mạnh. Để đưa không khí sạch vào lò thì hệ thống quạt gió phải hoạt động với công suất cao để đẩy gió ở trong lò ra nhằm tạo chênh lệch áp suất. Chúng tôi đi theo đường ray xe goòng vận chuyển than bước trên con đường ẩm ướt tiến vào bên trong.

Ở độ sâu -350 m so với mực nước biển, đón chúng tôi với nụ cưới lấp lánh sau những bụi than, anh em thợ lò hồ hởi “Chúng em đến đây mỗi người một nơi, một quê, nhưng khi về đây thì là một gia đình. Làm việc ở đây, cuộc sống người thợ chúng em ngày càng được cải thiện, chế độ đãi ngộ tốt. Lính mới lương cũng được 16 triệu đồng/tháng còn những thợ có tay nghề có người lương đến gần 30 triệu đồng/tháng; ăn ca và ăn trưa công ty lo cả. Nhà cửa chúng em cũng được công ty lo. Như vậy là tốt rồi.”

Càng đi vào bên trong, từng tốp, từng tốp thợ sau khi tan ca dù mệt mỏi nhưng những ánh mắt họ vẫn lóe lên niềm tin tưởng về cuộc sống của người thợ ngày một tốt đẹp hơn. Dù thời gian ít ỏi nhưng điều cảm nhận sâu sắc nhất là dù làm việc hàng giờ đồng hồ dưới lòng đất sâu khiến nhiều người không chịu được áp lực công việc và dù cho công việc vất vả, thấm đẫm mồ hôi… nhưng những người thợ mỏ vẫn luôn tươi cười, tự tin, đầy lạc quan vươn lên trong công việc của mình và quyết bám lò.

Và nữa, một kỷ niệm không thể nào quên đối với những phóng viên theo dõi ngành than chúng tôi. Đó là vào dịp cơn lũ lịch sử tháng 7/2015 gây thiệt hại nặng nề đối với tỉnh Quảng Ninh, nhất là với ngành than. Nhóm phóng viên chúng tôi theo kế hoạch xuống các đơn vị thuộc TKV tuyên truyền cho Đại hội Đảng. Tuy nhiên, khi đến thành phố Hạ Long, chúng tôi nhận được thông báo thành phố Cẩm Phả đang bị chia cắt bởi lũ lụt không thể đi tiếp theo kế hoạch.

Ngay lập tức, kế hoạch thay đổi. Tất cả đoàn quyết định ở lại thành phố Hạ Long và tập trung tuyền truyền về phòng chống lụt bão. Chính vì vậy, sự kiện ngành than họp trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại Quảng Ninh phương án phòng chống lụt bão đã được đoàn phóng viên nắm bắt và có mặt kịp thời. Nhiều người, thậm chí cả lãnh đạo TKV khá ngạc nhiên khi sự kiện diễn ra thì lập tức đã có một đoàn nhà báo đã có mặt để thông tin.

Lúc này, toàn bộ ngành than cũng như tỉnh Quảng Ninh đang dồn sức chống lũ. Cụ thể, ngành than triển khai các giải pháp chống ngập mỏ, chống than trôi tại các mỏ lộ thiên và các cảng…Cả đoàn chúng tôi khoảng gần 20 đơn vị báo chí ở Hà Nội lao vào làm việc, vừa dự họp thu thập thông tin về chỉ đạo, vừa đi cơ sở nắm thông tin về ứng phó với lũ của các đơn vị thành viên.

Tất cả như một guồng quay, thông tin được chuyển tải về tòa soạn mang đậm hơi thở cuộc sống và thực tế thiệt hại kinh tế do trận lũ lụt lịch sử gây ra. Sau trận lũ lịch sử đó, chúng tôi trở về Hà Nội và tất cả mọi người trong đoàn đều tự hào với một kỷ niệm không thể nào quên bởi những  thông tin về trận lũ lịch sử đó đã có đóng góp phần không nhỏ của mỗi phóng viên.

Với chúng tôi, những phóng viên kinh tế nếu không chịu khó chịu khổ đi thực tế công trường chỉ viết theo báo cáo thì sẽ không hiểu nổi những gian khổ, nguy hiểm thực sự mà những kỹ sư, công nhân phải đối mặt hàng ngày. 

Những chuyến đi như vậy giúp cho phóng viên kinh tế  chúng tôi thêm hiểu về cuộc sống của những người thợ, giúp chúng tôi hòa vào dòng chảy công việc của người thợ để có được những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống, chuyển tải đến độc giả những hình ảnh chân thực, tôn vinh những giá trị cao quý của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục