Phụ huynh tại Mỹ “đau đầu” vì AI

16:21' - 22/07/2025
BNEWS Nhiều phụ huynh ở Mỹ đang "đau đầu" ví trí tuệ nhân tạo (AI) khi một mặt lo sợ những rủi ro tiềm tàng, mặt khác lại e ngại con cái sẽ tụt hậu nếu không sớm tiếp cận công nghệ này.

Nhiều bậc phụ huynh ở Mỹ đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đối mặt trí tuệ nhân tạo (AI): một mặt lo sợ những rủi ro tiềm tàng, mặt khác lại e ngại con mình sẽ tụt hậu nếu không sớm tiếp cận công nghệ này.

Ông Adam Tal - một giám đốc marketing ở Israel và là cha của hai bé trai 7 và 9 tuổi - quan ngại sâu sắc về tương lai khi AI ngày càng phổ biến, những video giả mạo sử dụng công nghệ deepfake khiến thật - ảo khó phân định, cùng hàng nghìn mối nguy tiềm ẩn mà bản thân ông chưa được trang bị để nhận diện.

 

Tại Texas (Mỹ), nhà tâm lý học Mike Brooks nhận định rằng nhiều bậc cha mẹ đang tránh né các vấn đề nảy sinh do AI. Họ đã quá mệt mỏi với những thách thức trong việc nuôi dạy con cái trong thời đại số, từ phim khiêu dâm trực tuyến, TikTok, trò chơi điện tử, cho đến việc khuyến khích trẻ ra ngoài vui chơi.

Một số chuyên gia cho rằng khi trẻ đạt đến một độ tuổi nhất định, việc giữ cho các em tránh khỏi ảnh hưởng của AI đã không còn khả thi. Tuy nhiên, vẫn có những phụ huynh nỗ lực làm "người gác cổng" công nghệ.

Điển hình là Melissa Franklin, một sinh viên luật ở Kentucky. Cô là người duy nhất trong gia đình cùng con trai 7 tuổi tìm hiểu và khám phá AI. Melissa chỉ cho phép con sử dụng AI dưới sự giám sát của mình, nhằm tìm kiếm thông tin mà sách, Google hoặc YouTube không cung cấp được.

Một nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) công bố tháng 6 cho thấy người không sử dụng AI tạo sinh có mức độ kích thích não bộ và ghi nhớ cao hơn. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo ngại AI sẽ trở thành "đường tắt" khiến trẻ giảm khả năng tư duy độc lập. Một kỹ sư máy tính có con trai 15 tuổi nhận định rằng con cái thường học cách sử dụng công nghệ nhanh hơn cha mẹ, giống như cách chúng tiếp cận TikTok. Trong khi đó, Giáo sư Marc Watkins làm việc tại Đại học Mississippi) nhấn mạnh việc phụ huynh cần đọc hiểu và trao đổi kỹ với con về cả lợi ích lẫn rủi ro của AI.

Giám đốc điều hành (CEO) Nvidia Jensen Huang từng gọi AI là "lực lượng bình đẳng hóa vĩ đại nhất" trong giáo dục. Tuy nhiên, Giáo sư Watkins lại lo ngại công nghệ này có thể làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội, khi chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể tận dụng tối đa lợi ích của nó.

Một phụ huynh chia sẻ: "Con trai tôi có lợi thế trong sử dụng AI vì cả hai bố mẹ đều có bằng tiến sĩ ngành khoa học máy tính. Nhưng điều đó 90% đến từ việc gia đình có điều kiện tài chính hơn mức trung bình, chứ không phải nhờ chúng tôi có hiểu biết về AI".

Giáo sư Watkins nhận định "điều này kéo theo những hệ quả không nhỏ". Theo đó, nỗi lo về việc AI có thể gia tăng khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội là một vấn đề đáng suy nghĩ đối với các nhà hoạch định chính sách và giáo dục.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục