Phù phép đất rừng Vườn quốc gia Phú Quốc thành lập dự án - Bài 1

08:06' - 05/12/2019
BNEWS Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết về vấn đề này với chủ đề "Phù phép đất rừng Vườn quốc gia Phú Quốc thành lập dự án".

Ngày 14/12/2016, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có Công văn số 6614/VP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp tư nhân Nghiệp Liên đầu tư Khu dịch vụ du lịch - nhà vườn tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Tuy nhiên, dư luận bất bình vì đất sử dụng cho dự án là rừng đặc dụng Vườn quốc gia Phú Quốc đã được doanh nghiệp “phù phép” rất bài bản để xây dựng và sang nhượng trái phép.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết về vấn đề này với chủ đề "Phù phép đất rừng Vườn quốc gia Phú Quốc thành lập dự án".

Vườn quốc gia Phú Quốc, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Bài 1 - Nghi vấn lập khống nguồn gốc đất để xin đầu tư dự án

Tháng 11/2016, doanh nghiệp tư nhân Nghiệp Liên (địa chỉ khu phố 5, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) xin chủ trương đầu tư dự án kinh doanh mở rộng cơ sở hiện có trồng rau sạch, xây dựng vườn ươm hoa lan, cây kiểng và các công trình phụ trợ làm địa điểm tham quan du lịch sinh thái (Khu dịch vụ du lịch - nhà vườn) với quy mô 9.382 m² tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc.

Trong tờ trình xin chủ trương đầu tư, ông Lê Hoàng Nghiệp - chủ doanh nghiệp này khẳng định toàn bộ diện tích đất trên được sang nhượng lại từ hộ gia đình ông Danh Cô và bà Thị Dung là người địa phương vào tháng 4/2004 có xác nhận của UBND xã Gành Dầu.

Trao đổi với phóng viên ông Danh Cô cho biết, vợ chồng ông sang nhượng cho ông Nghiệp một thửa đất 3.000 m², sau đó về quê sinh sống ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang) đến nay mới quay lại Phú Quốc. “Tờ sang nhượng” viết bằng tay ngày 10/4/2004 ghi rõ, vợ chồng Danh Cô và bà Thị Dung sang nhượng cho ông Nghiệp 3.000 m² đất tọa lạc tại tổ 1, ấp Gành Dầu, với giá 30 triệu đồng được 2 hộ dân lân cận là Văn Đê và Mộng Thường ký tên làm nhân chứng.

Thời điểm này, ông Võ Văn Quang là Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản số 1 ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu (ông Quang hiện nay là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Gành Dầu) ký xác nhận.

Xác nhận ghi rõ: “Theo tờ sang nhượng thành quả và nhà đất của đương sự Danh Cô, vợ là Thị Dung, đất này của ông trước đây được tạm cấp của UBND xã Cửa Cạn và ấp Gành Dầu là sự thật. Đất này không có ai tranh chấp”. “Tờ sang nhượng” này không có xác nhận của UBND xã Gành Dầu.

Tuy nhiên doanh nghiệp tư nhân Nghiệp Liên lại đưa ra “Giấy bán đất” viết bằng tay ngày 25/5/2004 giữa vợ chồng ông Danh Cô, bà Thị Dung và ông Lê Hoàng Nghiệp với nội dung: “Vợ chồng chúng tôi có miếng đất tọa lạc tại Xóm Mới, tổ 1, ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang ở phía nam của Đồn Biên phòng 754, giáp biển và giáp miếng đất 3.000 m² đã sang nhượng cho ông Lê Hoàng Nghiệp. Diện tích đất chiều ngang 50 m, chiều dài 100 m, tổng diện tích 10.000 m² sang nhượng lại toàn bộ cho ông Nghiệp số tiền là 70 triệu đồng”. Điều bất thường ở "Giấy bán đất" này là chỉ có chữ ký tên của người bán đất là ông Danh Cô, bà Thị Dung (bà Dung gạch X) và người mua đất là ông Lê Hoàng Nghiệp; đồng thời chiều ngang 50 m, chiều dài 100 m thì diện tích đất là 5.000 m², nhưng tổng diện tích đất lại tăng gấp đôi là 10.000 m².

Khi xem "Giấy bán đất" đó, ông Danh Cô, bà Thị Dung phản ứng rất quyết liệt và ông Danh Cô khẳng định chữ ký của mình là chữ ký giả.

Ông Danh Cô, bà Thị Dung đều cho biết, chỉ bán duy nhất một miếng đất 3.000 m² xã cấp giá 30 triệu đồng cho ông Nghiệp, không còn miếng đất nào khác nữa.

Ông Võ Văn Quang, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Gành Dầu cho biết: Năm 1993, xóm dân cư Xóm Mới, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc (chưa thành lập xã Gành Dầu) xây dựng khu quân sự nên ông và 4 hộ dân khác, trong đó có gia đình ông Danh Cô, bà Thị Dung chuyển đến nơi ở mới (hiện nay là Xóm Mới, tổ 1, ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu).

Khi di dời 5 hộ được cấp tạm mỗi hộ một phần đất ven đường để sản xuất. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Danh Cô, bà Thị Dung sang nhượng lại cho ông Lê Hoàng Nghiệp.

Năm 2001, khi thành lập Vườn quốc gia Phú Quốc nên đất của 5 hộ dân nói trên thuộc lâm phần rừng đặc dụng của Vườn quốc gia.

Trong Công văn của Vườn quốc gia Phú Quốc do Phó Giám đốc Phạm Hồng Dũng ký ngày 23/10/2019 trả lời cơ quan báo chí nêu rõ: “Tại khu vực làm Khu dịch vụ du lịch - nhà vườn có tổng diện tích hơn 9.372 m², căn cứ ranh giới, tọa độ mốc Vườn quốc gia Phú Quốc cắm ngoài thực địa năm 2004 có 108,13 m² nằm ngoài ranh giới của vườn; diện tích 9.264 m² còn lại nằm trong ranh giới Vườn quốc gia Phú Quốc tại Tiểu khu 75 phân khu phục hồi sinh thái của vườn.”

Mặt khác, cuối tháng 10/2019 trong thông báo thu hồi đất số 799/TB-UBND của UBND huyện Phú Quốc do Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Chiến Thắng ký nêu: “Diện tích đất dự kiến thu hồi 9.264,01 m² tại ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Loại đất đang sử dụng: Rừng đặc dụng. Lý do thu hồi thực hiện dự án Khu dịch vụ du lịch - nhà vườn Nghiệp Liên tại xã Gành Dầu.”

Quá thực hiện dự án Khu dịch vụ du lịch - nhà vườn Nghiệp Liên ở Vườn quốc gia Phú Quốc có nhiều khuất tất cần cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang vào cuộc làm rõ.

Cụ thể là trong tờ trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, ông Lê Hoàng Nghiệp nêu nguồn gốc đất toàn bộ diện tích làm dự án được sang nhượng lại từ hộ ông Danh Cô và bà Thị Dung được lãnh đạo UBND xã Gành Dầu ký, đóng dấu xác nhận ngày 23/6/2016. Đây chính là “cơ sở pháp lý” để dự án ra đời trong sự ngỡ ngàng của người dân./.

>>> Phù phép đất rừng Vườn quốc gia Phú Quốc thành dự án- Bài 2

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục