Phú Quốc hướng tới thành phố biển đảo - Bài 2: Hài hòa trong phát triển kinh tế

12:30' - 16/06/2020
BNEWS Nhiều chuyên gia, nhà khoa học từng nhận định, sự tăng trưởng quá nhanh đã phần nào mang tới những hệ lụy liên quan đến môi trường, ảnh hưởng sự phát triển bền vững của đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang).

Tự tin trước ngưỡng cửa trở thành thành phố biển đảo đầu tiên trong cả nước, song trên bước đường phát triển, huyện đảo Phú Quốc hiện tại, thành phố Phú Quốc trong tương lai gần cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bất cập. Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã thẳng thắn nhìn nhận và có biện pháp tháo gỡ, giải quyết triệt để.

*Tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng

Một trong những vấn đề nổi cộm ở Phú Quốc được dư luận hết sức quan tâm hiện nay chính là việc quản lý, xử lý những sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai. Đề cập đến những tồn tại trong quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng ở huyện đảo Phú Quốc thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, cùng một thời điểm, Phú Quốc thu hút rất nhiều dự án của các nhà đầu tư; trong đó có nhiều tập đoàn lớn cho thấy, các cơ chế, chính sách ưu đãi nổi trội đã phát huy tác dụng. Các dự án đó bước đầu đã có những hiệu quả nhất định.

Song, cùng với sự phát triển nhanh, phát triển mạnh đã làm phát sinh những hệ lụy liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai. Việc quản lý quy hoạch, xây dựng cũng có những lúc, những nơi chưa thật tốt. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2017.

UBND tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch, huyện nghiêm túc thực hiện những Kết luận của Thanh tra Chính phủ để khắc phục hạn chế yếu kém trong quá trình quản lý, đặc biệt là liên quan đến quản lý đất đai.

Liên quan đến tình trạng bao lấn chiếm đất trái phép, ông Hưng cho biết thêm, thời gian qua tại Phú Quốc tình hình phân lô, tách thửa trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp. Thời điểm 2016-2017, giá đất tại Phú Quốc cũng tăng cao đột biến, dẫn đến tình trạng bao lấn chiếm xây dựng trên đất nhà nước quản lý, kể cả đất rừng diễn biến phức tạp.

Huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, xã thị trấn và Ban quản lý Vườn quốc gia Phú Quốc xác minh, kiểm tra, xử lý, tuy nhiên có những lúc, những nơi chưa kịp thời. Thời gian tới huyện tăng cường, quyết liệt kiểm tra, xử lý, cưỡng chế trường hợp xây dựng trái phép đặc biệt là xây dựng trái phép trên đất rừng.

Các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các quy định của Nhà nước lĩnh vực đất đai; xây dựng, ứng dụng mạng xã hội tiếp nhận phản ánh, thông tin của người dân về các hành vi vi phạm để kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. 

Theo thông tin mới nhất từ Huyện ủy Phú Quốc, thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm tra, xử lý vi phạm, quản lý đất đai, thực hiện thông báo số 120/TB-VPCP ngày 23/3/2020 của Văn phòng Chính phủ, Kết luận số 602/KL-TTCP ngày 27/4/2020 của Thanh tra chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 1/6/2020 huyện Phú Quốc đã kiểm tra, phát hiện hơn 300 trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai với tổng diện tích 174.397m2; quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trên 90 trường hợp; thông báo yêu cầu tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng đối với 140 trường hợp, đã tổ chức thông báo, thu hồi thực địa đối với 98 trường hợp, các trường hợp còn lại đang tiếp tục được kiểm tra, xử lý.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh khẳng định, nếu không quyết liệt, chủ động chấn chỉnh, xử lý vi phạm, ngăn chặn, lập lại trật tự trong quản lý tài nguyên, đất đai, quy hoạch, xây dựng thì đây sẽ là rào cản, trở ngại lớn, ảnh hưởng bất lợi trong xây dựng phát triển huyện đảo Phú Quốc.

Tình trạng này không giải quyết dứt điểm, đất đai, xây dựng không ổn định thì nhà đầu tư ngán ngại đầu tư vào đảo Phú Quốc, nhất là trong xu thế Phú Quốc đang hướng tới thành phố biển đảo, du khách trong và ngoài nước đến đảo ngọc ngày càng tăng cao. Vì vậy, Phú Quốc chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ tài nguyên, đất đai, quy hoạch, xây dựng gắn với xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên các lĩnh vực này để nhà đầu tư, khách du lịch an tâm đến với Phú Quốc.

*Bảo vệ môi trường

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học từng nhận định, sự tăng trưởng quá nhanh đã phần nào mang tới những hệ lụy liên quan đến môi trường, ảnh hưởng sự phát triển bền vững của đảo ngọc. Ở bất kỳ địa phương có tốc độ phát triển nhanh nào cũng thường có những điểm hạn chế nhất định và Phú Quốc cũng không ngoại lệ. Thậm chí, có du khách tới Phú Quốc từng “nặng lời” cho rằng nhiều nơi ở huyện đảo bị “tấn công” bởi rác thải, các con sông cũng bị ô nhiễm do rác và nước thải.

Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, hiện nay việc thu gom và xử lý chất thải rắn do Ban Quản lý công trình công cộng huyện Phú Quốc quản lý. Năm 2019, trên địa bàn huyện tỷ lệ chất thải rắn được xử lý 100% với hình thức xử lý của huyện sẽ chôn lấp tại bãi rác tạm và giao một phần cho nhà máy xử lý. Nhà máy xử lý rác thải đã được xây dựng hoàn thiện, đang trong quá trình vận hành thử nghiệm với công suất 200 tấn/ngày đêm, đảm bảo việc thu gom và xử lý rác trên địa bàn huyện hàng ngày.

Việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải ở nhiều khu phố, bệnh viện, xóm ngõ cũng được cải thiện. Việc thu gom chất thải thông thường, phế liệu, chất thải công nghiệp không nguy hại do Công ty cổ phần Công nghệ Môi trường Trái Đất Xanh thực hiện. Toàn bộ rác thải được thu gom vận chuyển và xử lý tập trung tại khu xử lý chất thải rắn của các công ty. Khối lượng rác thải sinh hoạt còn lại do các tổ vệ sinh tại các xã, thị trấn được thu gom và xử lý cục bộ.

Ông Nguyễn Duy Điền, Phó trưởng Ban Dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Quốc cho biết, liên quan đến xử lý rác, thời điểm này tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã kêu gọi dự án đầu tư vào dự án xử lý rác ở Bãi Bổn, xã Hàm Ninh tuy nhiên công nghệ của nhà đầu tư ban đầu đưa ra chưa đáp ứng yêu cầu. UBND tỉnh Kiên Giang đang có điều chỉnh, thay đổi nhà đầu tư theo hướng nâng cao công nghệ để đáp ứng yêu cầu.

Ban Quản lý khu kinh tế huyện Phú Quốc (đơn vị được phân cấp ủy quyền của UBND tỉnh Kiên Giang về lĩnh vực đầu tư) cũng đang kêu gọi đầu tư  vào lĩnh vực xử lý rác với công nghệ cao ở Phú Quốc theo định hướng đến năm 2030 sẽ không còn các bãi chôn lấp rác thải mà rác thải sẽ được xử lý theo công nghệ cao.

Trong thời gian tới, với định hướng phát triển bền vững đảo Phú Quốc hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Phú Quốc sẽ huy động các nguồn lực, đẩy mạnh nghiên cứu giải pháp thoát nước tổng thể thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Huyện ưu tiên cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước chung, xây dựng hệ thống cống bao và các trạm xử lý nước thải cho các khu vực xảy ra ngập úng. Phú Quốc cũng tiếp tục triển khai các dự án đầu tư theo Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2025 đã được phê duyệt; nâng cao hiệu quả công tác thu gom, phân loại chất thải rắn tại các đô thị; ưu tiên đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn cấp vùng ở trên địa bàn huyện và các lò đốt chất thải rắn cho các xã đảo.

Tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh, một giải pháp rất quan trọng góp phần đảm bảo môi trường cho đảo ngọc là các ngành, đơn vị, xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động từng hộ dân hiểu rõ trách nhiệm tham gia vệ sinh môi trường; tập trung lực lượng tổ chức làm vệ sinh ở các điểm nóng về rác thải, đảm bảo giải quyết hiệu quả, dứt điểm.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác, thải chất thải ra môi trường; bố trí camera tại các điểm nóng về môi trường, lắp đặt các màn hình lớn tuyên truyền bảo vệ môi trường tại khu vực công cộng./.

Xem thêm:

>>Phú Quốc hướng tới thành phố biển đảo - Bài 1: Động lực mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục