Phú Thọ đối mặt với nguy cơ vỡ đê kè, hồ đập

16:00' - 01/09/2017
BNEWS Hàng nghìn mét đất dọc các bờ sông bị sạt lở, nhiều công trình đê kè xuống cấp, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có nguy cơ vỡ đập đang khiến hàng nghìn hộ dân sống “thấp thỏm” trong mùa bão lũ.
Phú Thọ đối mặt với nguy cơ vỡ đê kè, hồ đập. Ảnh minh họa: TTXVN

*Hàng nghìn mét đất bờ sông bị sạt lở

Mưa bão liên tục trong thời gian gần đây khiến cho đoạn sông Thao từ khu 12 xã Hương Nộn đến đầu thị trấn Hưng Hóa, từ xã Tam Cường đến xã Cổ Tiết và khu vực bến đò Lời (huyện Lâm Thao) có chiều dài cả kilômét bị sạt lở nghiêm trọng. Theo lãnh đạo các xã Hương Nộn, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do thay đổi dòng chủ lưu. Một số điểm sạt lở đã được Nhà nước đầu tư kè mỏ hàn, kè chân nhưng một bên chưa được kè nên nguồn nước lên cao làm thay đổi dòng chảy dẫn đến sạt lở nghiêm trọng.

Tại xã Hương Nha, huyện Tam Nông, hai năm trở lại đây, sạt lở diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn. Đặc biệt mùa mưa bão năm 2017 nước đã “ăn sâu” và nuốt chửng nhiều chuồng bò, chuồng lợn và lấn sát mép công trình phụ, uy hiếp trực tiếp đến khu vực dân sinh của 14 hộ dân.

Ông Cao Thành Đức, Chủ tịch UBND xã Hương Nha cho hay, sạt lở nghiêm trọng diễn ra từ năm 2010 cho đến nay. Tỉnh đã đầu tư xây dựng kè chân 800m tuy nhiên hiện nay, một phần kè đã bị sạt xuống sông, khiến người dân lo lắng. Chính quyền xã đang nỗ lực vận động di dời nhà ở cho 14 hộ dân nhưng còn gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Phú Thọ, do ảnh hưởng của mưa lũ, cùng sự điều tiết của các hồ thủy điện từ đầu năm 2016 đến nay đã gây sạt lở bờ, vở sông, ngòi với tổng chiều dài gần 3.500m tại đê tả sông Thao, đê hữu sông Thao, đê tả sông Đà.

Một số bờ ngòi cũng bị bị sạt lở nghiên trọng như ngòi Lạt (huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn), ngòi Giành (huyện Cẩm Khê), ngòi Vần (huyện Hạ Hòa), ngòi Tiêu (huyện Thanh Ba). Các cống dưới đê thuộc huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, Tam Nông, Đoan Hùng cũng bị hư hỏng tại các cánh cống, tường cống, giàn van gây ngập úng khi có mưa to. Nhiều đoạn kè của bờ hữu sông Bứa (huyện Thanh Sơn), kè Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy), kè thị trấn Hưng Hóa (huyện Tam Nông), kè Bạch Hạc (thành phố Việt Trì) đều bị sạt trượt, hư hỏng…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng đã cho triển khai xử lý khẩn cấp 2 đoạn bờ, vở sông bị sạt lở nghiêm trọng gồm đoạn từ Km66,2 + Km66,65 đê tả sông Thao (thị xã Phú Thọ), đoạn từ Km14,6 + Km15,2 đê tả sông Đà (huyện Thanh Thủy).

Trong năm 2017, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành đưa vào sử dụng 25 công trình phục vụ phòng, chống thiên tai. Các sự cố về cống, sạt lở bờ, vở sông gây ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, khu dân cư cũng đã được chỉ đạo xử lý kịp thời đảm bảo an toàn đời sống và sản xuất của nhân dân.

*Nhiều hồ đập có nguy cơ vỡ

Hiện toàn tỉnh có 1.341 hồ chứa, đập dâng lớn, nhỏ. Trong đó có 5 hồ chứa dung tích từ 3 triệu m3 đến 10 triệu m3; 12 hồ chứa dung tích từ 1 triệu m3 đến 3 triệu m3, còn lại là các hồ chứa có dung tích từ 50 nghìn m3 đến 1 triệu m3 nước; 260 trạm bơm tưới và tưới tiêu kết hợp.

Đại bộ phận các hồ, đập chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện nay đã được xây dựng từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Khi đó chưa có các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ để quan trắc, đo đạc số liệu xây dựng theo thiết kế. Việc xây đắp chủ yếu là thủ công, dựa vào sức người nên không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhiều hồ, đập vốn nằm trên đất của dân hoặc là từ các ao, hồ nuôi cá của người dân.

Trong thời kỳ xây dựng kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được vận động chuyển sang thành hồ chứa nước phục vụ sản xuất và hiện do các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi quản lý; việc duy tu, sửa chữa không được thường xuyên.

Hàng nghìn mét đất dọc các bờ sông bị sạt lở ở Phú Thọ. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù, các hồ chứa luôn được sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, mặt tràn được mở rộng, gia cố nhưng đại bộ phận các tràn, đặc biệt là ở khu vực miền núi có mặt tràn nhỏ, kiêm luôn chức năng đường giao thông, dẫn đến việc kết cấu mặt cắt thường xuyên bị biến đổi, dễ xảy ra nguy cơ sạt trượt, không đảm bảo năng lực chứa nước và tiêu thoát lũ.

Theo nhận định của các cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy lợi thì trong trường hợp thời tiết xảy ra mưa lớn, lượng mưa từ 180mm trở lên kéo dài trong thời gian từ 3 đến 4 giờ thì có khả năng các hồ đập nhỏ xảy ra vỡ. Thời gian xảy ra mưa, lũ phần lớn là vào ban đêm, độ cảnh giác của người dân xuống thấp nên nếu xảy ra sự cố vỡ đập rất khó xử lý và ứng cứu kịp thời.

Nguy cơ mất an toàn, dẫn đến tràn, vỡ hồ đập trong mùa mưa lũ chủ yếu nằm ở các hồ chứa loại nhỏ có dung tích dưới 1 triệu m3 này, nhất là các hồ đập ở các huyện miền núi như: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập.

Theo ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng từ đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 đợt thiên tai gây tổng giá trị thiệt hại ước tính 17 tỷ đồng; trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là cơn bão số 2 vừa qua.

Hiện nay vẫn đang là mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, các địa phương cần triển khai kịp thời các nhiệm vụ theo quy định. Tăng cường tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống thiên tai, chủ động phòng, tránh và ứng phó; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Đồng thời kiểm tra giám sát toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du sự cố vỡ đập thủy lợi.

UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và các địa phương nắm chắc hiện trạng công trình đê điều và hệ thống công trình chống úng nội đồng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều cũng như giải tỏa dứt điểm việc lấn chiếm hành lang để mang lại an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

Văn bản cũng yêu cầu xác định các khu vực trọng điểm xung yếu của đê điều, hồ đập để xây dựng phương án ứng phó kịp thời sát với tình hình thực tế của địa phương; chú trọng công tác “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ), nhất là các vị trí trọng điểm, các vị trí xa nơi dân cư, điều kiện ứng cứu khó khăn. Ngoài những khu vực trọng điểm mất an toàn, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát điểm xung yếu khác, từ đó chủ động các phương án phòng, chống khi có sự cố xảy ra”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục