Phú Thọ tạo mặt bằng sạch để đón sóng đầu tư mới

16:11' - 24/03/2024
BNEWS Ông Nguyễn Minh Xuyên, Bí thư thị xã Phú Thọ cho biết, yếu tố then chốt để đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển chính là làm tốt giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch.

Nhiều năm nay, tỉnh Phú Thọ luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó tạo sức bật cho kinh tế - xã hội phát triển và sẵn sàng mọi điều kiện để đón làn sóng đầu tư mới vào tỉnh.

Nỗ lực giải phóng mặt bằng sạch

Nhận thấy mặt bằng sạch luôn là những băn khoăn, trăn trở lớn nhất của các doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào một ngành, nghề, lĩnh vực nào đó, bởi vậy những năm qua tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, từng bước gỡ nút thắt về đất đai “cản trở” doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Qua đó, nhiều điểm “nghẽn” đã được các cấp, các ngành đưa gia giải quyết triệt để hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Minh Xuyên, Bí thư thị xã Phú Thọ cho biết, yếu tố then chốt để đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển chính là làm tốt giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch. Đây cũng là chìa khóa mở những “nút thắt” quyết định tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Do đó, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về kết quả giải phóng mặt bằng và phải xác định đây là nhiệm vụ chính, trọng tâm trong công tác hàng năm.

 

Bên cạnh đó, thị xã tăng cường phối hợp với các cấp, ngành trong thanh, kiểm tra, giám sát giải phóng mặt bằng, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm. Đồng thời, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư; huy động đa dạng các nguồn lực và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm trong giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo huyện Tam Nông cho rằng, tỉnh Phú Thọ nên khai thác, huy động, lồng ghép nguồn lực của các cấp, ngành, các nguồn vốn hỗ trợ; bố trí vốn đúng mục tiêu, ưu tiên tập trung bố trí vốn để trả nợ đầu tư và chỉ khởi công mới các dự án cấp bách, thật sự cần thiết. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cho biết, xác định rõ giải phóng mặt bằng là “nút thắt” lớn nhất trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu các sở, ban, ngành rà soát xác định rõ các nhóm dự án trọng điểm để tập trung tháo gỡ; trung bình trong 3 năm gần đây từ 17-18 dự án/năm. Đặc biệt, Tỉnh ủy Phú Thọ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban.

Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ còn rà soát kiện toàn tăng cường năng lực, tổ chức lại văn phòng đăng ký sử dụng đất tại các huyện; kiểm tra theo dõi, giám sát đôn đốc kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, gắn trách nhiệm của từng cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tỉnh tiếp tục rà soát, ban hành một số cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; triển khai lập, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030..., nhằm tạo sự đồng bộ, hiệu quả trong quá trình thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Đón sóng đầu tư mới

Cuối tháng 1 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký ban hành Chương trình hành động về việc thực hiện Nghị quyết số 2 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Theo đó, tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu năm 2024, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt từ 50.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung trên địa bàn tỉnh quy đổi đạt khoảng 500 - 600 triệu USD.

Phấn đấu đến năm 2025, Phú Thọ có khoảng trên 11.000 doanh nghiệp; trong đó trên 220 doanh nghiệp FDI. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp hạng trong nhóm 15/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính duy trì xếp hạng nhóm 15 - 20 của cả nước. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công phấn đấu đạt ở nhóm cao nhất của cả nước.

Cùng với đó, Phú Thọ cũng sẽ đặt mục tiêu tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập, giảm số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng chất lượng doanh nghiệp; giảm các chi phí đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Theo ông Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ Trịnh Thế Truyền, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ tiếp tục quán triệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó chú trọng hoàn thành và hoàn thành vượt các mục tiêu: tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,5% trở lên; thu hút vốn đầu tư từ 100 nghìn tỷ đồng…

Phú Thọ cũng quyết liệt thực hiện hoàn thành các công trình hạ tầng trọng điểm; trong đó tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư khởi công thêm 2 khu công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa; hoàn thành khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 khu công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hạ tầng các cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao, Vạn Xuân, Thục Luyện; khởi công các cụm công nghiệp Đồng Phì, Tam Nông, Nam Đoan Hùng, Phú Hộ, Quảng Yên… để thu hút dự án đầu tư.

Đến năm 2030, Phú Thọ phấn đấu có 12 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 5.000 ha. Trong số đó, tỉnh tiếp tục đầu tư, mở rộng ở 7 khu công nghiệp gồm: Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa và Phù Ninh. Hình thành thêm 5 khu công nghiệp mới gồm: Thanh Ba, Bắc Sơn, Đồng Lương, Đoan Hùng, Võ Miếu.

Tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, đất đai, lao động; xử lý kịp thời các vấn đề có liên quan; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ tín dụng (lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,...); chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt giải phóng mặt bằng; tăng cường vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và đoàn thể các cấp… phấn đấu trong năm 2024 có 200 - 300 ha mặt bằng sạch để thu hút đầu tư.

Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa độc đáo, đa dạng. Đồng thời, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ và triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, dự án nhà ở, đô thị…

Năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện tại Phú Thọ là hơn 45.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là hơn 8.800 tỷ đồng (trên 300 triệu USD). Tỉnh thành lập mới 920 doanh nghiệp, toàn tỉnh hiện khoảng 11.000 doanh nghiệp.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phú Thọ năm 2023 xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 18/63; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công đứng thứ 10/63; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đứng thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục