Quy hoạch Phú Thọ dựa trên cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh

16:22' - 10/01/2024
BNEWS Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Phú Thọ hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển nhanh và bền vững.

Xây dựng Phú Thọ thành nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức ngày 10/1.

Xây dựng địa phương thành nơi đáng sống, đáng đến

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Phú Thọ hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển nhanh và bền vững; đóng vai trò là một trong những cực tăng trưởng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Quy hoạch tỉnh được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch chung cả nước. Quy hoạch thể hiện khát vọng của Đảng bộ và nhân dân xây dựng tỉnh trở thành địa phương phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm văn hóa, lễ hội gắn với cội nguồn dân tộc; trung tâm phát triển y tế, giáo dục - đào tạo, thương mại và logictics của tiểu vùng Tây Bắc, là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Trần Hồng Hà đề nghị, thời gian tới, tỉnh cần phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, phát triển theo chiều sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; giữ vững vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Cùng với đó, địa phương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tính toán các phương án để không gia tăng sức ép với dân số và xã hội.

Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chất lượng và giá trị gia tăng cao; hình thành chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại và trở thành một trong những trung tâm thương mại, logistics của vùng; coi du lịch là mũi nhọn, phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tự nhiên, sinh thái, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Địa phương phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung gắn với chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp thông minh gắn với sử dụng công nghệ sau thu hoạch, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Địa phương khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch; rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh. Trong quá trình thực hiện các quy hoạch, tỉnh cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên tai, địa chất để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Địa phương cần ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động lan tỏa lớn như: các dự án xanh, suất đầu tư lớn, công nghệ cao và tiết kiệm đất; đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; tăng cường quảng bá du lịch, các điểm đến, sản phẩm của các địa phương trong tỉnh. Tỉnh tập trung đầu tư phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội đặc sắc, độc đáo; Khu di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm Quốc gia…

Tầm nhìn và tư duy chiến lược

Tại Hội nghị, ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 5/12/2023 về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, phấn đấu đến năm 2030, Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Địa phương hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ và từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc.

Tỉnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với sử dụng bền vững tài nguyên, hệ sinh thái; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ với hai Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Thọ sẽ là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước; một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc...

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh xác định các nhiệm vụ và đột phá chiến lược bao gồm: Một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba đột phá phát triển, bốn nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, một trung tâm là xây dựng và phát triển đô thị Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là đô thị trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I. Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Ba đột phá phát triển là: Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương. Bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát huy lợi thế so sánh để phát triển nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch; đổi mới mô hình, tổ chức sản xuất trong nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại; thu hút hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút và quản lý đầu tư; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử.

Tỉnh dự kiến đến năm 2023 sẽ huy động 800 nghìn tỷ đồng nguồn vốn cho đầu tư phát triển; thu hút vốn FDI khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,5 tỷ USD, chiếm khoảng 20%. Cùng với đó, Phú Thọ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, từng bước loại bỏ, thay thế các công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường.

Tỉnh tăng cường hợp tác với các địa phương lân cận trong sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học để bảo vệ môi trường. Địa phương đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học; đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, liên kết phát triển; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính Nhà nước; thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 3.534,6 km2, quy mô dân số năm 2023 khoảng 1,53 triệu người với 13 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, thị xã.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục