Phú Yên đầu tư đường giao thông cho xã vùng cao cuối cùng

08:24' - 19/09/2020
BNEWS Sau hàng chục năm phải vật lộn với con đường đất trơn trượt vào mùa mưa, bụi mù vào mùa nắng, người dân xã đặc biệt khó khăn Cà Lúi, huyện Sơn Hòa, Phú Yên nay đã được đi trên con đường bê tông mới.

Cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 80km về phía Tây, xã Cà Lúi tiếp giáp với xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Toàn xã có 620 hộ 2.700 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào Chăm sinh sống.

Về xã Cà Lúi nhưng ngày này, chúng tôi không còn phải đi trên con đường đất lởm chởm, bùn đất nhão nhoẹt trơn trượt quyện vào bánh xe như trước mà thay vào đó một con đường bê tông trải dài vắt ngang qua các sườn đồi, những nương rẫy mía xanh mướt của người dân về trung tâm xã đã hình thành.

Ông Ma Thanh, người dân thôn Ma Lăng cho biết, nhờ được đầu tư một con đường bê tông mới nên việc đi lại trong thôn không còn phải vất vả như trước.

"Sau năm 1975, tôi được bố mẹ cho đất mặt đường xây nhà ở. Tuy nhiên đây chỉ là con đường đất, mùa mưa thường xuyên bị sạt lở, nhà tôi có xe đạp nhưng nhiều hôm trời mưa đường trơn trượt xe đạp không đi được có công việc phải đi bộ ra huyện.

Nhờ Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cho xã vùng sâu vùng xa của chúng tôi con đường này tôi vui lắm. Có con đường mới, bây giờ trẻ em đến đường đỡ vất vả hơn, người dân trong thôn ốm đau sẽ được đưa đi cấp cứu kịp thời, cây sắn, cây mía do bà con làm ra vận chuyển về nhà máy nhanh hơn, đỡ tốn kém chi phí hơn các năm trước", ông Thanh nói.

Từ khi có con đường mới, cùng chung niềm vui như Ma Thanh hơn 600 hộ dân ở Cà Lúi như được tiếp thêm sức sống mới, nhiều hộ dân đã xây nhà, sửa sang lại tường rào cổng ngõ, trồng hoa, mở tiệm sữa chữa xe máy, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển từ việc làm nương rẫy sang kinh doanh buôn bán. Vợ chồng chị Vi Thị Nhung, thôn Ma Lăng vừa mở một tiệm tạp hóa lớn nhất nhì trong xã với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của người dân trong xã.

Chị Nhung chia sẻ: "Tôi đã có ý định mở một tiệm tạp hóa từ lâu nhưng tuyến đường liên xã chưa được đầu tư, phương tiện lưu thông về xã gặp nhiều khó khăn, cách trở nên dự định mãi vẫn không làm được. Hiện nay, tuyến đường bê tông từ Quốc lộ 19C về xã đã được đầu tư thông suốt vợ chồng tôi quyết định mở tiệm tạp hóa này, chúng tôi mong muốn đưa được nhiều mặt hàng thiết yếu về phục vụ về phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong xã để bà con không phải đi xa nữa".

Tuyến đường bê tông từ Trà Kê (xã Sơn Hội) về trung tâm xã Cà Lúi dài 12km, rộng 6,5m được khởi công từ năm 2019 qua ba giai đoạn với tổng nguồn vốn 35 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình bê tông nông thôn của huyện Sơn Hòa. Đến nay, tuyến đường này cơ bản đã hoàn thành, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lí dự án huyện Sơn Hòa và đơn vị thi công đang nổ lực hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để kịp bàn giao con đường cho chính quyền địa phương cuối tháng 9 năm nay.

Theo Chủ tịch UBND xã Cà Lúi Sô Minh Hương, Cà Lúi là xã đặc biệt khó khăn, cũng là đơn vị cấp xã miền núi cuối cùng ở Phú Yên được đầu tư đường bê tông từ trung tâm huyện về xã. Từ khi tuyến đường Trà Kê-Cà Lúi được đầu tư, chính quyền địa phương đã vận động người dân cùng góp sức đầu tư thêm các tuyến đường xương cá về các thôn, buôn tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại, giao thương.

Hiện nay, xã Cà Lúi đã đạt 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí giao thông của xã được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngoài ra, là một xã đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ lực dựa vào cây sắn, mía và trồng rừng, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ sẽ là điệu kiện tiên quyết để Cà Lúi phát triển nhanh theo kịp các xã trong huyện.

Xã cũng phấn đấu từ nay đến năm 2025, bình quân mỗi năm giảm 3% hộ nghèo, thay vì còn khoảng 10% như hiện nay; thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 29 triệu đồng/năm từ năm 2019 lên hơn 30 triệu đồng vào năm 2025.

Đại diện huyện Sơn Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tô Phương Bắc chia sẻ: "Từ sau khi đất nước được giải phóng, người dân Cà Lúi đã khát khao được nhà nước đầu tư con đường, tạo điều kiện cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số đi lại, vận chuyển, tiêu thụ nông sản thuận lợi góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi.

Tuyến đường Trà Kê-Cà Lúi được đầu tư bà con rất vui, niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền địa phương được nâng lên. Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần gỡ “nút thắt” về giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục