Phú Yên: Nhà máy đường cam kết mua mía cho nông dân

12:12' - 01/04/2018
BNEWS Phú Yên có hai nhà máy chế biến mía đường hoạt động là KCP và Tuy Hòa với tổng công suất ép 12.000 tấn mía/ngày; đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích là 28.300 ha.
Phú Yên: Các nhà máy đường cam kết mua mía cho nông dân. Ảnh: TTXVN

Từ giữa tháng 1/2018, các nhà máy đã vào vụ ép nhưng đến nay chỉ mới thu hoạch 6.950 ha. Sản lượng mía đã ép gần 480.000 tấn và chế biến được 37.000 tấn.

So với cùng kỳ năm ngoái việc thu hoạch mía nguyên liệu và chế biến đường rất chậm, trong khi sản lượng đường tồn kho của các nhà máy lên đến 72.000 tấn. Hiện nhiều diện tích mía đã khô hoặc trổ cờ, khiến năng suất và chữ đường chắc chắn sẽ giảm.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó chủ tịch UBND huyện miền núi Sông Hinh cho biết, hơn 5.000 ha mía trên địa bàn huyện nhưng mới chỉ thu hoạch được khoảng 1.000 ha.

Nếu với tốc độ thu mua mía chậm như hiện nay thì phải mất 3 tháng nữa người dân mới có thể thu hoạch hết mía.

Theo Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên, thị trường tiêu thụ đường khó khăn do thực hiện theo lộ trình cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa tự do ASEAN, đường nhập lậu, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm vốn sử dụng sản phẩm đường làm nguyên liệu hiện đang sử dụng chất tạo ngọt để thay thế đường...

Tuy nhiên, các nhà máy vẫn cam kết sẽ thu mua hết mía trong vùng nguyên liệu đã có hợp đồng từ trước.

Do giá đường xuống thấp nên giá mua mía nguyên liệu được các nhà máy áp dụng là 800.000 đồng/tấn mía sạch với chữ đường 10CCS, giảm 241.033 đồng đến 300.000 đồng/tấn so với năm ngoái.

Trong khi đó, năng suất bình quân 68,8 tấn/ha và chữ đường bình quân chỉ đạt 8.1CCS, nên nông dân gần như bị thua lỗ.

Ông Nguyễn Tèo, người trồng mía xã Ealy, huyện Sông Hinh than thở: "Mía quá khô. Người nông dân bây giờ làm cả năm chỉ trông chờ vào mía. Đến mùa thu hoạch mà chậm thế này thì khó khăn cho bà con quá".

Nhiều hộ nông dân phải đành bỏ mía vì nếu thu hoạch sẽ bị lỗ do chi phí thu hoạch tăng quá cao. Cụ thể, giá nhân công thu hoạch là 300.000 đồng/ngày, cao hơn năm ngoái gần 100.000 đồng; chi phí xe trung chuyển từ ruộng mía ra đường giao thông để vận chuyển đến nhà máy đường cũng tăng lên 70.000 đồng/chuyến, tăng 30.000 đồng/chuyến so năm ngoái.

Ông Võ Tấn Bảy, Chủ tịch Hội nông dân xã Ealy, huyện Sông Hinh cho biết: “Nhiều hộ dân mong muốn được nhà máy sớm thu mua mía vì sợ mía khô, cháy. Nhà máy thì nói mía còn nhiều nên chậm thu mua. Vốn liếng bà con dồn hết đầu tư vào cây mía. Vì vậy, bà conbắt buộc phải bán mía với giá rẻ để thu hồi vốn và tái đầu tư”.

Mặc dù việc thu mua mía cho người dân chậm nhưng các nhà máy vẫn cam kết sẽ mua hết cho nông dân có hợp đồng bao tiêu nguyên liệu. Nhà máy đường Tuy Hòa sẽ thu mua và ép mía đến hết tháng 6/2018.

Nhà máy đường KCP dự kiến đến hết tháng 5/2018 sẽ tiêu thu hết mía trong vùng nguyên liệu.

Ngoài giá mía thu mua là 800.000 đồng/tấn, nhà máy đường KCP sẽ hỗ trợ nông dân trong vùng nguyên liệu thêm 50.000 đồng/tấn đối với những diện tích mía đạt năng suất 70 tấn/ha và chữ đường đạt từ 9 CCS trở lên. Việc chi trả tiền mía cũng được KCP thực hiện đúng hẹn.

Ông Đào Tấn Cam, Phó Trưởng Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên khẳng định: “Đối với các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm chúng tôi đã yêu cầu phải ký hợp đồng với người trồng mía. Do đó, các nhà máy chắc chắn sẽ tiêu thụ mía cho nông dân. Phương châm là Nhà máy tồn tại thì nông dân tồn tại. Điều này cũng bảo đảm phát triển được vùng nguyên liệu cho những năm sau”.

Để các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả và đời sống nông dân trồng mía được ổn định, UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát tình trạng đường tạm nhập tái xuất; ngăn chặn tình trạng đường nhập lậu.

Bên cạnh đó, cần quản lý, kiểm soát hàm lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn đối với các chất tạo ngọt được phép sử dụng thay thế sản phẩm đường trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành ngân hàng hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người trồng mía tiếp cận các nguồn vốn vay để mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa; các nhà máy đường cần nghiên cứu đầu tư máy thu hoạch mía nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động, giảm chi phí thu hoạch….

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục