Phú Yên phản hồi thông tin của TTXVN về vụ phá rừng phòng hộ Sơn Hòa

18:09' - 31/08/2021
BNEWS Chiều 31/8, Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên có Công văn truyền đạt ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên về việc kiểm tra thông tin Thông tấn xã Việt Nam phản ánh về vụ phá rừng phòng hộ Sơn Hòa.

Liên quan đến thông tin Thông tấn xã Việt Nam phản ánh qua bài viết “Ai đứng sau vụ “cạo trọc” rừng phòng hộ sông Trà Bương, huyện Sơn Hòa, Phú Yên", chiều 31/8, Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên có Công văn số 1679-CV/VPTU truyền đạt ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên về việc kiểm tra thông tin Thông tấn xã Việt Nam phản ánh.

Theo Công văn, ngày 31/8, Thông tấn xã Việt Nam có bài viết “Phú Yên: Ai đứng sau vụ cạo trọc rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương, huyện Sơn Hòa”, phản ánh tình trạng rừng phòng hộ khu vực suối Sổ, suối Dĩ và Cheo Reo, khu vực đầu nguồn sông Trà Bương, huyện Sơn Hòa lấn chiếm đất trồng cây keo.

Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa chỉ đạo, kiểm tra làm rõ các thông tin cơ quan thông tấn, báo chí nêu, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả thực hiện.

Trước đó, sáng 31/8, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam có bài viết phản ánh hàng chục ha rừng phong hộ, dọc các con suối Sổ, suối Dĩ và Cheo Reo, khu vực đầu nguồn sông Trà Bương đang bị cạo trọc.

Các vụ phá rừng được tổ chức tinh vi, bài bản trong một thời gian dài, rừng tự nhiên bị “cạo trọc” đến đâu thì cây keo được trồng vội đến đó. Khu vực rừng bị chặt phá nằm ở sườn dốc ven suối Dĩ có diện tích hơn 2 hecta, nhiều loại cây rừng có đường kính từ 20cm đến 70cm thuộc nhóm III đến nhóm V như (lim, bìn lin, bằng lăng, bùi) vừa bị cưa ngang gốc, nằm la liệt, một số vạt rừng đã được đốt trụi và trồng cây keo non.

Bên cạnh đó, tại khu vực suối Sổ và suối Cheo Reo hợp lại thành sông Trà Bương và chảy về hồ thủy lợi huyện Đồng Xuân, cả cánh rừng già rộng chừng 2 ha bị chặt trắng.

Những gốc cây, thân gỗ to có đường kính 0,5-1m thuộc các nhóm gỗ quý như bằng lăng, ké, lim, giẻ… được cưa xẻ lấy gỗ tại chỗ, vẫn còn nhiều tấm ván bìa để lại trên hiện trường. Ngoài ra, khoảng 5 ha rừng phòng hộ tại khu vực suối Rạp, thôn Tân Thuận, khu vực suối giáp với rẫy keo của một hộ dân cũng chịu chung số phận.

Theo người dân địa phương, tình trạng phá rừng diễn ra từ các năm 2019-2020, ước tính diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá đã trồng keo lên đến 20-30 ha. Đặc biệt, từ tháng 3/2021 đến nay có trên 10 ha rừng phòng hộ đầu nguồn bị phát trắng, cây gỗ còn đổ ngổn ngang.

Dấu vết tại các khu vực rừng phòng hộ cho thấy, mục đích phá rừng không chỉ để lấy gỗ mà nhằm vào việc trồng keo thu lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Những vụ phá rừng được tổ chức với quy mô lớn, theo hình thức cuốn chiếu, rừng ngã đến đâu keo sẽ được trồng vội vàng đến đó.

Rừng bị tàn phá nghiêm trọng như vậy, nhưng chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hoà (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên) không hề hay biết./.

>>>Điều tra điểm "nóng" phá rừng Ea Rớt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục