Phục hồi sản xuất phải cần giữ chân được người lao động

13:11' - 02/11/2021
BNEWS Tình trạng thiếu hụt lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra ở Tp Hồ Chí Minh, do một bộ phận người lao động về các tỉnh, thành và nhiều địa phương tăng cường kiểm soát phương tiện vận chuyển.

Tuy vậy, với sự nỗ lực của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã cải thiện đáng kể, cũng như đang trên đà phục hồi sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

*Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23,6%

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 của Tp. Hồ Chí Minh tăng 23,6% so với tháng 9/2021. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,2%...

Cùng đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2021 tăng 19,7% so với tháng 9/2021 và giảm 46,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn tình hình lao động làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong tháng 10/2021 tăng 59% so với tháng 9/2021 và giảm 33,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù đã mở cửa cho sản xuất trở lại nhưng tác động của dịch COVID-19 vẫn còn rất lớn khiến tất cả ngành công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh đều giảm so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố trong tháng 10/2021 đã được cải thiện, nhưng thời gian giãn cách kéo dài, nhất là tình trạng thiếu hụt lao động khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi tổ chức sản xuất trong điều kiện "bình thường mới".

Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cùng với sở, ngành thành phố đã và đang đẩy mạnh tiêm chủng vaccine cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh không ngừng thực hiện các gói an sinh hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động an tâm sản xuất.

Riêng đối với doanh nghiệp, các sở, ngành phối hợp liên ngành trong tăng cường giải pháp tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: triển khai cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; miễn, giảm thuế, giãn thuế, giảm lãi suất cho vay...

Ở góc độ doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Rynan Technologies cho biết, khó khăn lớn với doanh nghiệp giai đoạn vừa qua, cũng như hiện nay là phải kiên trì để theo dõi tình hình và sự thay đổi của chính sách để có thể bám sát quy trình; duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, cuộc đua chống dịch cần có những chặng nghỉ ở giữa, nhằm lấy sức và tái cấu trúc doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường trong và ngoài nước.

"Doanh nghiệp cần điều chỉnh tốc độ và có kế hoạch lâu dài hơn, hay nói cách khác là không chỉ phản ứng theo thị trường mà phải có kế hoạch đặc thù 5 năm, 10 năm với lộ trình điều chỉnh tốc độ. Doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư vào công cụ giám sát, ứng dụng khoa học và công nghệ...", Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm, một số doanh nghiệp khác nhận định, yếu tố "tốc độ" đi kèm với "tỉnh táo" ở thời điểm này quan trọng hơn bao giờ hết.

Đặc biệt, doanh nghiệp bắt buộc đảm bảo yêu cầu nhanh chóng xoay chuyển tình thế thích nghi kịp thời và có những kịch bản khác nhau trong linh hoạt đối phó tình huống. Đồng thời, doanh nghiệp nên tự rút ra bài học về quản trị rủi ro, từ đó nâng cao năng lực trong những cơn biến động thị trường.

*Yêu cầu thay đổi quản trị doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, tình hình kinh doanh hiện nay là chưa từng có tiền lệ, nên nếu muốn tái thiết lại như thời điểm trước, điều mà các doanh nghiệp nên làm ngay chính là thay đổi chính mình.

Cụ thể, trong 4 tháng giãn cách xã vừa qua có thể thấy, có doanh nghiệp phải chật vật với "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến"... và đơn vị nào không đáp ứng được thì "tê liệt" hoàn toàn.

Còn hiện nay, ngay khi đã được tạo điều kiện khôi phục lại hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn còn loay hoay giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và xây dựng hệ thống phòng thủ trong bảo vệ nguồn lực và tái cấu trúc công ty trước những nguy cơ dịch COVID-19 có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, muốn thích nghi với tình hình mới thì doanh nghiệp không thể không giải bài toán làm mới mô hình sản xuất kinh doanh và kiến tạo văn hóa trong nhà máy, công xưởng...

Bà Nguyễn Hà Trang, Giám đốc Nhân sự Công ty Pepsico Foods Việt Nam chỉ ra rằng, bằng sự thấu cảm và quan tâm mà công ty đã có thể bảo toàn được hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn. Tại Pepsico Foods luôn dành sự quan tâm cho người lao động để mọi người không cảm thấy bị bỏ rơi trong đại dịch, có điều kiện tốt nhất, an tâm làm việc và chăm lo cho gia đình.

Điển hình, Pepsico Foods thiết lập những đường dây nóng về sức khỏe, trao tặng những món quà an sinh... đến tận nhà người lao động. Tất cả hoạt động này, không chỉ giúp người lao động vượt qua khó khăn, mà còn thể hiện văn hóa doanh nghiệp đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau trong quản trị, vận hành công ty.

Liên quan đến kinh nghiệm giữ chân người lao động và tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Nhân sự khu vực Đông Nam Á, Công ty Avery Dennison RBIS chia sẻ, với kinh nghiệm thực hiện phương án "3 tại chỗ" ở nhà máy sản xuất của Avery Dennison có thể nhận thấy, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là người lao động bắt đầu không ở lại nhà máy.

Đồng thời, người lao động nhận ra sự bất tiện khi không được về nhà, thiếu thốn điều kiện so với bên ngoài... nên sự thấu hiểu từ người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong tiếp thêm động lực rất lớn cho người lao động.

Trong tương lai gần, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Talentnet cho rằng, các doanh nghiệp sẽ không còn vận hành như một cỗ máy, mà sẽ tổ chức linh hoạt như một "thực thể sống". Trong doanh nghiệp, người lãnh đạo cần đóng vai trò trung tâm để đưa ra định hướng và tạo điều kiện cho nhân viên thực hiện.

Đáp ứng được những yêu cầu này có thể kể đến phương thức quản trị doanh nghiệp theo mô hình vòng tròn, với ưu điểm là người lãnh đạo sẽ dễ dàng bao quát mọi hoạt động của doanh nghiệp. Còn đội ngũ nhân viên cũng sẽ được thúc đẩy hơn nhờ sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, xóa bỏ những ranh giới không cần thiết giữa cấp lãnh đạo và người lao động./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục