Phương án mới giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung

06:30' - 21/12/2018
BNEWS Trước khi diễn ra cuộc gặp Trump-Tập tại Argentina, Trung Quốc đã chuyển cho Mỹ phương án giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung mà truyền thông Hong Kong gọi là "Danh sách nhượng bộ thương mại".
Dây chuyền sản xuất xe ô tô tại nhà máy của Hyundai ở Thương Châu, Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phương án này, phía Trung Quốc đáp ứng nhiều yêu cầu mà Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, dư luận truyền thông Hong Kong cho rằng, hành động này của Trung Quốc càng cho thấy sự yếu thế của Bắc Kinh trước những đòn tấn công thương mại của Mỹ và không có tác dụng nhiều trong việc giải quyết bất đồng, cũng như hóa giải chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay. 

Truyền thông Hong Kong nêu rõ cái gọi là “Danh sách nhượng bộ thương mại” mà phía Trung Quốc chuyển cho Mỹ khá mơ hồ, nội dung chi tiết vẫn còn là bí mật. Duy một điều có thể khẳng định là có việc Trung Quốc chuyển cho Mỹ văn bản liên quan đến đàm phán thương mại giữa hai nước. 

Tờ Đại kỷ nguyên- có trụ sở tại Mỹ, bản tiếng Trung phát hành tại Hong Kong- đưa tin Trung Quốc đã cung cấp cho phía Mỹ “Danh sách nhượng bộ thương mại” gồm 142 mục. 

Ngay sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ “Danh sách nhượng bộ thương mại” của phía Trung Quốc đưa ra là khá toàn diện, nhưng có từ 4 đến 5 nội dung quan trọng đã không được đưa vào danh sách này, vì thế phía Mỹ chưa thể chấp nhận.

Tổng thống Donald Trump tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại công bằng, đồng thời nêu rõ trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận, bắt buộc phải công bằng và cùng ưu đãi. 

Bởi vì Trung Quốc rất muốn thoát khỏi cục diện khó khăn hiện nay cho nên nếu là vấn đề liên quan đến cho phép xâm nhập thị trường của hàng hóa thông thường hoặc dịch vụ tài chính phi then chốt, dù Trung Quốc không làm được cũng sẽ đáp ứng trước với phía Mỹ.

Liên quan đến vấn đề này, nguồn thạo tin nội bộ Trung Quốc cho biết, cái gọi là “Danh sách nhượng bộ thương mại” là do truyền thông Hong Kong tự gọi, còn thực chất đây là “Phương án đàm phán thương mại” mới của Trung Quốc. 

Vấn đề đáng chú ý là Trung Quốc từng nêu rõ, đàm phán thương mại với Mỹ bắt buộc phải là không cản trở kinh tế Trung Quốc chuyển đổi mô hình và nâng cấp. Nhưng phía Mỹ yêu cầu Trung Quốc áp dụng theo tiểu chuẩn kinh tế thị trường, ngừng kế hoạch “Made in China 2025” với trọng tâm là Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho doanh nghiệp phát triển công nghệ cao, cũng như vấn đề đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ mà Trung Quốc không thừa nhận.

Trong khi đó, Kế hoạch “Made in China 2025” là động lực chính thúc đẩy kinh tế Trung Quốc chuyển đổi mô hình và nâng cấp, còn vấn đề “quyền sở hữu trí tuệ”, Trung Quốc không thừa nhận đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ...

Cho nên, có thể phán đoán đây chính là những nội dung đụng chạm đến vạch đáy của Trung Quốc nên Bắc Kinh không thể đưa vào “Phương án đàm phán thương mại” mới với Mỹ, hoặc liệt vào vấn đề “vùng cấm không thể đàm phán”.

Về vấn đề này, nguồn thạo tin nội bộ Trung Quốc phân tích, một thực tế không thể phủ nhận là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến kinh tế Trung Quốc chịu tổn thất nghiêm trọng. Nếu cuộc chiến này tiếp tục kéo dài, kinh tế Trung Quốc lao dốc là điều có thể dự báo trước. 

Trong bối cảnh này, Trung Quốc đưa ra “Phương án đàm phán thương mại” mới với Mỹ là điều dễ hiểu. Tin rằng “Phương án” này do Phó Thủ tướng Lưu Hạc chỉ đạo, có thể đã cụ thể và chi tiết hơn, nhưng khuôn khổ cơ bản vẫn không thay đổi. Tức vẫn bao gồm 3 phần như truyền thông công khai đã nêu. 

Hiển nhiên, Trung Quốc chuyển cho phía Mỹ “Phương án đám phán thương mại” mới chỉ là thể hiện thiện chí một phía của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nêu rõ không chấp nhận “Phương án” mới của Trung Quốc, rõ ràng “Phương án” này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Mỹ. 

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng nhấn mạnh, Mỹ sẽ tuân thủ phương châm cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành vi. Còn trong “Phương án” mới này, Trung Quốc vẫn né tránh những vấn đề cốt lõi mà Mỹ quan tâm như trợ cấp chính phủ, cưỡng chế chuyển nhượng công nghệ, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và Kế hoạch “Made in China 2025” đã đủ để cho thấy, bất đồng Mỹ-Trung không thể giải quyết trong tương lai gần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục