Đức bảo vệ cơ sở hạ tầng trước các vụ M&A từ nhà đầu tư Trung Quốc

15:01' - 19/12/2018
BNEWS Chính phủ liên minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đồng ý hạ ngưỡng cổ phần mà chính phủ có thể can thiệp tại một số lĩnh vực nhất định từ 25% như hiện tại xuống 10% với lý do an ninh.

Một số nguồn thân cận cho biết động thái này được cho là để nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức trước những vụ mua bán sáp nhập không mong muốn từ nhà đầu tư Trung Quốc.

Nội các Đức dự kiến sẽ thông qua quy định này vào ngày 19/12 (theo giờ địa phương) trong lúc đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại rằng các công ty do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đang tiếp cận quá nhiều công nghệ quan trọng của Đức và các nước châu Âu khác, trong bối cảnh Bắc Kinh đang bảo vệ chặt chẽ các công ty của mình khỏi sự thâu tóm của nước ngoài.

Hồi năm 2004, Chính phủ Đức đã đưa ra nhiều quy định để bảo vệ các lĩnh vực quan trọng khỏi sự ảnh hưởng của nước ngoài, và sau đó được tiếp tục mở rộng vào năm 2017.

Những quy định này nhằm nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức như năng lượng, nước, cung cấp thực phẩm, viễn thông, tài chính và giao thông.

Với các quy định mới sắp được thông qua, Chính phủ Đức cũng có thể đưa thêm một số kênh truyền thông nhất định vào danh sách quan trọng thiết yếu đối với an ninh cộng đồng.

Cho đến nay, Berlin chưa bao giờ dựa trên các quy định về ngưỡng cổ phần để ngăn chặn hoạt động mua cổ phần của một công ty ngoài châu Âu và động thái trên là để họ có thể dễ dàng tiến hành các cuộc điều tra an ninh về những vụ mua bán cổ phần do các đối tượng ngoài châu Âu tiến hành.

Song hồi tháng Tám, Chính phủ Đức đã phát đi những tín hiệu rằng sẽ sử dụng quyền phủ quyết của họ trong vụ công ty Yantai Taihai của Trung Quốc đấu thầu mua công ty chế tạo Leifeld, khi đây là nhà sản xuất các thiết bị kim loại rất quan trọng trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Những thay đổi này diễn ra sau những tranh luận gay gắt về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu khi đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại rằng các công ty do Bắc Kinh hậu thuẫn đang tiếp cận quá nhiều công nghệ quan trọng của Đức và các nước châu Âu khác.

Trong khi đó, Bắc Kinh lại đang bảo vệ chặt chẽ các công ty của họ khỏi sự thâu tóm của nước ngoài. Hồi đầu tháng này, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý hợp tác xây dựng một hệ thống giám sát sâu rộng để cùng phối hợp kiểm tra các khoản đầu tư từ nước ngoài vào châu Âu, đặc biệt là từ Trung Quốc.

>>>Đức tài trợ hơn 28 triệu USD cho Indonesia xây dựng lại cơ sở hạ tầng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục