PTC2 30 năm vận hành lưới điện - Bài 2: Mốc son trên bước đường trưởng thành

10:04' - 19/05/2020
BNEWS Tháng 7/2008, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) chính thức được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban Quản lý dự án điện Bắc, Trung, Nam.

Theo đó, PTC2 chính thức hoạt động theo mô hình chi nhánh của Công ty TNHH nhà nước một thành viên, đồng thời tiếp tục quản lý vận hành và đầu tư phát triển lưới điện truyền tải điện 220 - 500kV trong phạm vi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, cung cấp điện cho các trạm biến áp 110kV của Tổng công ty Điện lực miền Trung.

Ông Trần Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Công ty nhấn mạnh: Đây là một sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đánh dấu  mốc son trên bước đường xây dựng và phát triển Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nói chung và của Công ty Truyền tải điện 2 nói riêng.

Vào thời điểm mới thành lập EVNNPT, nền kinh tế đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu; vốn đầu tư, chi phí truyền tải bị hạn chế, trong khi đó, PTC2 gặp nhiều khó khăn cần giải quyết như thay thế thiết bị trong sửa chữa lớn do đã vận hành lâu năm, quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm được EVNNPT duyệt đang thiếu vốn.

Tuy vậy Công ty vẫn nâng cao hoạt động truyền tải theo Luật Điện lực và các yêu cầu của Bộ Công Thương, đồng thời phối hợp tham gia đầu tư hoặc giám sát đưa vào vận hành các đường dây 220kV đấu nối nguồn thủy điện miền Trung gần 2.000 MW công suất tại các vùng Tây Thừa Thiên - Huế; các cụm thủy điện ở Tây Quảng Nam, như A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 được nối lên lưới 500kV Thạnh Mỹ - Pleiku và chuyển tải luồng công suất qua đường dây 220kV Thạnh Mỹ- Hòa Khánh.

Ngoài ra, cụm thủy điện Bắc Trà My được khai thác đấu nối vào trạm 220kV Sông Tranh 2 và truyền tải về trạm Tam kỳ qua đường dây 220kV Sông Tranh 2- Tam Kỳ;  thủy điện khu vực Quảng Ngãi được thu gom về trạm Sơn Hà để truyền tải về trạm 500kV Dốc Sỏi.

Trong phương thức phối hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung (A3), Công ty đặc biệt quan tâm giám sát và khai thác các đường dây 220kV đấu nối sau các trạm 500kV để góp phần tiếp nhận ngồn thủy năng, cung cấp điện cho các trạm 220 - 110kV trên địa bàn.

Trong giai đoạn này, cùng với việc tiếp nhận, vận hành thêm 2 trạm 500kV Dốc Sỏi công suất 450 MVA và Thạnh Mỹ (900 MVA), Công ty đảm bảo vận hành ổn định điện áp của các đoạn đường dây 500kV Bắc- Nam và đường dây 500kV mạch 2 Pleiku- Dốc Dỏi- Đà Nẵng bằng việc nâng cấp hệ thống tụ bù dọc 2000A và máy cắt, kháng bù ngang ở các trạm 500kV Hà Tĩnh, Vũng Áng, Đà Nẵng, Pleiku.

Để nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện cho các trạm 110- 220kV miền Trung,  từng bước cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua các kế hoạch đầu tư nâng cấp lưới điện 220kV đáp ứng tiêu chí N-1, Công ty đã tham gia giám sát và đầu tư nâng cấp các đường dây 220kV và máy biến áp 220kV số 2 cho TBA trên trục lưới 220kV từ Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới, mạch 1 đường dây 220kV Đồng Hới - Huế cho đến đường dây Huế - Hòa Khánh- Đà Nẵng - Dốc Sỏi, Dốc Sỏi - Quảng Ngãi cho đến Quảng Ngãi - Phù Mỹ - Phước An (Bình Định).

Ngoài việc đầu tư và vận hành lưới điện hiệu quả phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội các địa phương như các trạm 220kV Ngũ Hành Sơn, Đông Hà, Kon Tum, Sơn Hà (Quảng Ngãi), Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Công ty còn tham gia giám sát và vận hành đấu nối các đường dây 220kV truyền tải công suất từ các nhà máy thủy điện của Lào để tăng cường liên kết sử dụng hiệu quả năng lượng ASEAN qua các đường dây 220kV Xekaman 3 - Thạnh Mỹ, Xekaman 1 - Pleiku2.

Theo ông Phong, với nhiệm vụ chính là đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định lưới truyền tải trong điều kiện yêu cầu ngày càng cao về cung cấp điện, Công ty đặc biệt chú trọng đến việc vận hành lưới điện 500kV mạch 1 và mạch 2, sẵn sàng đáp ứng các phương thức vận hành lưới 500kV Bắc - Trung, Trung - Nam, góp phần đẩm bảo  an ninh năng lượng quốc gia, giữ vững cân bằng công suất phát điện - truyền tải điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống điện phân phối trên phạm vi cả nước, cho các công ty điện lực trên địa bàn các tỉnh miền Trung.....

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của EVNNPT, Công ty phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) tiếp nhận quản lý vận hành thêm 404 km đường dây, bao gồm: Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi; 220kV Quảng Ngãi - Phù Mỹ, Đồng Hới - Đông Hà, Đông Hà - Huế. Trạm 500kV Dốc Sỏi công suất 1.200 MVA, TBA 220kV Dung Quất (500 MVA).

Giai đoạn 2021 - 2025, Công ty sẽ giám sát và tiếp nhận vận hành đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo và trạm 220kV Lao Bảo, đường dây 220kV Thanh Mỹ - Duy Xuyên và trạm 220kV Duy Xuyên, đường dây 220kV Hòa Khánh - Hải Châu và trạm 220kV Hải Châu, đường dây 220kV Hải Châu - Ngũ Hành Sơn, các trạm 220kV Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Chân Mây, Liên Chiểu, Bờ Y, các trạm 200 - 500kV liên quan Trung tâm Nhiệt điện khí Chu Lai, Dung Quất....

Công ty còn chuẩn bị tốt cho đường dây 500kV mạch 3 với các trang bị thiết yếu cho thêm 3 đội quản lý lưới điện 220-500kV ở Lệ Thủy, Hương Thủy, Quế Sơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục