Qatar hướng tới tự cung tự cấp thực phẩm

16:15' - 24/06/2018
BNEWS Một năm sau khi các nước vùng Vịnh cô lập Qatar, truyền thông nước này ngày 23/6 đưa tin Qatar sẽ tự cung tự cấp thực phẩm.

Một quan chức chính phủ của Qatar cho biết nước này đã tăng hơn hai lần sản lượng nông nghiệp kể từ khi cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh diễn ra.

Quan chức này cũng cho biết một số doanh nghiệp Qatar đã giúp các cơ sở sản xuất có năng suất thấp hơn tăng sản lượng bằng cách hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm của họ.

Trước khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh nổ ra, Qatar nhập khẩu khoảng 90% thực phẩm thông qua cửa khẩu Abu Samra nằm ở biên giới của nước này với Saudi Arabia.

Tháng Sáu năm ngoái, Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain (Ba-ranh) và một số nước khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị.

Động thái này đã dẫn tới một cuộc tranh cãi ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại khu vực. Qatar luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên và cho rằng những nước này muốn xâm phạm chủ quyền của Doha.

Các nước này đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa không phận đối với máy bay của Qatar. Cho đến nay, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vẫn chưa được giải quyết do lập trường kiên quyết của các bên liên quan.

Để ứng phó với tình hình này, Qatar đã tìm kiếm các nguồn cung cấp thực phẩm thay thế, như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Oman và Ấn Độ, dù chi phí vận chuyển tăng cao. Bộ Kinh tế Qatar tháng trước đã ra chỉ thị yêu cầu các cửa hàng ở nước này loại bỏ các mặt hàng có nguồn gốc từ 4 nước, gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập.

Ngoài ra, Chính phủ Qatar cũng sẽ tìm cách ngăn chặn các mặt hàng của các nước này nhập khẩu vào Qatar thông qua một nước thứ ba, trong đó có các sản phẩm làm từ bơ sữa của Saudi Arabia. Văn phòng Truyền thông chính phủ (GCO) của Qatar cho biết đây là biện pháp nhằm "đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng" và chính sách thương mại này phù hợp với tất cả các thỏa thuận song phương cũng như đa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục