Căng thẳng vùng Vịnh phủ bóng đen lên cục diện khu vực và thị trường dầu mỏ

05:30' - 18/12/2017
BNEWS Nguyên nhân khiến tình hình Trung Đông ngày càng căng thẳng, ngoài yếu tố bên ngoài là việc Nhà Trắng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, còn có yếu tố nội tại bên trong thế giới Arab.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh thường niên GCC ở Kuwait. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác các quốc gia vùng Vịnh (GCC) lần thứ 38 đã cho thấy xung đột giữa Saudi Arabia và Qatar không những không dịu đi mà còn tăng lên và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cục diện chính trị trong khu vực và thị trường dầu mỏ.

Xung đột giữa năm nước thành viên GCC và Qatar kéo dài đã nửa năm nay. Bảy nước Hồi giáo cùng với Maldives đã triệu hồi Đại sứ của họ ra khỏi Doha để phản đối mối quan hệ giữa Qatar và Iran - hai kẻ thù chính của Saudi Arabia.

Sau đó, do quan điểm không thay đổi của các bên mà thay vì diễn ra hai ngày theo dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh GCC chỉ kéo dài vẻn vẹn có vài giờ đồng hồ. Kết quả thì có thể nói rằng những nỗ lực trung gian của Kuwait để hòa giải Riyadh và các chế độ quân chủ ủng hộ nước này với Qatar ở phía bên kia đã không thành công.

Trong vấn đề Qatar, dấu hiệu đầu tiên cho thấy Hội nghị sẽ thất bại là việc Quốc vương Saudi Arabia Sulman và lãnh đạo của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Khalifa ibn Zayd al-Nahyan đã quyết định không đến Kuwait mà chỉ cử đoàn đại biểu không có tính đại diện. 

Như vậy, ngay từ đầu Riyadh và Abu Dhabi đã thể hiện thái độ nghi ngờ triển vọng kết thúc được xung đột. Các thành viên dự hội nghị đã ra về mà giữ nguyên trạng thái độ cũ đối với nhau. 

Tuy nhiên Hội nghị GCC lần thứ 38 vẫn để lại dấu ấn vì tại đây Riyadh và Abu Dhabi đã tuyên bố thành lập liên minh song phương về kinh tế và quân sự, tách bạch khỏi Hội đồng hợp tác đã tồn tại hơn một phần ba thế kỷ. 

Giới nghiên cứu chính trị đều cho rằng hai nước “ly khai đã giáng một đòn chết người” vào GCC, thực tế là một tuyên bố rằng GCC đã không còn hữu ích.

Về hình thức, liên minh này không liên quan đến xung đột của hai nước trên với Qatar. Song thực tế tất nhiên không phải như vậy.

Liên minh giữa Saudi Arabia và UAE đã đặt các thành viên còn lại của GCC vào tình thế phức tạp. Nó cho thấy hai thành viên hàng đầu của GCC đã quyết định công khai chống lại chiến lược của toàn thể Hội đồng.

Cụ thể, họ sẵn sàng phản đối lại Washington, bên cùng với Liên minh châu Âu (EU) vốn kiên trì kêu gọi các nền quân chủ Arab vùng Vịnh hòa giải với nhau.

Saudi Arabia và UAE buộc Washington phải lựa chọn đứng về bên nào. Mỹ duy trì quan hệ đồng minh với tất cả các thành viên GCC, nhưng Qatar lại có vị thế đặc biệt quan trọng đối với Mỹ vì tại đây có căn cứ quân sự lớn của nước này.

Thất bại của Hội nghị cho phép dự đoán xung đột với Qatar chắc sẽ bùng lên. Isarel và Iran công khai vui mừng, hai nước dù là kẻ thù truyền kiếp của nhau song hiện tại lại có chung mục tiêu là phá vỡ mặt trận đoàn kết của các nước vùng Vịnh và khiến các nước này sao nhãng khỏi tình hình Syria, Iraq, và tình hình Jerusalem (Israel).

Nguy cơ chiến tranh giữa các quốc gia Arab sau hội nghị ở Kuwait đã tăng. Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao hồi mùa Hè đã không ảnh hưởng đến thị trường dầu, thì nay nguy cơ chiến tranh chắc chắn sẽ có ảnh hưởng. Xét đến trữ lượng khí đốt khổng lồ ở Qatar, có thể dự báo xung đột sẽ ảnh hưởng đến cả thị trường khí đốt.

Bất ổn ở các nước khai thác dầu mỏ thường đồng nghĩa với giá dầu sẽ tăng lên. Tuy nhiên lần này có thể khác. 

Những bất đồng gia tăng giữa Saudi Arabia và UAE một bên và Iran và Qatar một bên hoàn toàn có thể lan sang Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với thỏa thuận cắt giảm sản lượng vừa được gia hạn đến cuối năm 2018. Diễn biến ở Kuwait và GCC chắc chắn sẽ khiến việc thực hiện thỏa thuận trở nên khó khăn hơn, điều có thể tác động mạnh đến giá “vàng đen”.

Kịch bản tất nhiên không có lợi cho Nga. Moskva nỗ lực duy trì quan hệ bình thường với cả hai bên xung đột. Ở đây Moskva đồng quan điểm với Mỹ và EU rằng trong xung đột vùng Vịnh cần tìm kiếm thỏa hiệp và sớm chấm dứt đối đầu.

Trước đó ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này một khi công tác chuẩn bị hoàn tất. Quyết định này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội của nhiều ngước trên thế giới, trong đó có UAE, Iraq, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã bị cả thế giới, trừ Israel, coi là hành động “khiêu khích”, có thể khiến Trung Đông “bốc lửa”. Từ Liên minh châu Âu (EU) đến Liên hợp quốc (LHQ) đều lo ngại phản ứng mạnh từ cộng đồng Hồi giáo và người Palestine sẽ đẩy Trung Đông chìm trong "bão lửa", như lời cảnh báo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. 

Cộng đồng quốc tế - trừ Israel - đã vô cùng phẫn nộ và lên tiếng báo động về quyết định nói trên của ông Trump. Họ cho rằng khi nhóm lên "mồi lửa Jerusalem", ông Trump đã công khai chấp nhận nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và làm dấy lên các vụ bạo động mới tại một khu vực vốn đã đứng bên bờ vực bùng nổ. 

Bài xã luận của tờ Le Figaro (Pháp) cảnh báo rằng đó là “một trò chơi nguy hiểm” bởi đã làm dấy lên sấm chớp trên một bầu trời nặng trĩu giông bão. Điều đáng ngạc nhiên là ông Trump thiếu tầm nhìn. Quyết định của ông không hề nằm trong khuôn khổ triển vọng một giải pháp chính trị nào.

Trong một tuyên bố ngày 7/12, Bộ Ngoại giao UAE chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ đồng thời kêu gọi các nước Arab và Hồi giáo cùng thống nhất và thể hiện một quan điểm chung về vấn đề này. 

Trong khi đó, ngày 7/12, Chính phủ Iraq đề nghị Washington rút lại quyết định trên để tránh kích động chủ nghĩa khủng bố cũng như tạo ra những điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa khủng bố. Baghdad cảnh báo quyết định này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của khu vực và thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục