Quan điểm của Mỹ trong đàm phán NAFTA

06:30' - 04/11/2017
BNEWS Trang “The Globe and Mail” đăng bài viết của tác giả Andrei Sulzenko, cựu chuyên gia đàm phán thương mại của Canada và hiện là nghiên cứu sinh của trường Chính sách công thuộc Đại học Calgary.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay Morristown ở bang New Jersey ngày 3/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết bàn về quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau vòng đàm phán gần đây, cùng chuyến thăm Washington của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Theo tác giả, trong vòng đàm phán NAFTA mới nhất, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cố tình đưa ra những yêu cầu thái quá và nếu được chấp nhận một phần, đây sẽ là bước tiến lớn trong chính sách tăng cường bảo hộ theo quan điểm “nước Mỹ trên hết”. 

Ngược lại, nếu Canada và Mexico bác bỏ những đề xuất và khiến cuộc đàm phán thất bại, đây vẫn là một chiến thắng cho Tổng thống Trump, người từng công khai bày tỏ sự phản đối hiệp định thương mại tự do 23 năm tuổi này.

Điều có thể kết luận tại thời điểm này là Mỹ có khả năng cao sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương riêng lẻ với Canada và Mexico sau khi loại bỏ các cuộc đàm phán ba bên của NAFTA. 

Ông Trump rõ ràng đã báo hiệu điều này trong cuộc họp với Thủ tướng Trudeau trước đó. Việc đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì Mỹ luôn ưu tiên những thỏa thuận song phương với thành viên của các hiệp định thương mại đa quốc gia, ví dụ như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong môi trường chính trị nội bộ hiện tại, Mexico không đời nào muốn tiến hành đàm phán song phương với Mỹ. 

Mexico sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới với nguy cơ cao những thỏa thuận thương mại hợp tác cùng Mỹ không thể được cải thiện. Về mặt chính trị, Mexico sẽ không hề có lợi nếu tiếp tục tái hợp tác với một quốc gia dựa trên một thỏa thuận không có tương lai.

Đối với Canada, hiệp định thương mại tự do song phương năm 1989 với Mỹ vẫn nằm trong khuôn khổ NAFTA và rõ ràng cả hai sẽ không vội vàng nối lại hợp tác nếu ông Trump cứ tiếp tục gây áp lực như hiện nay. 

Xét cho cùng, Mexico là mới là nguyên nhân chính gây ra sự mất cân bằng thương mại của Mỹ. Hơn nữa, Mỹ cũng cần một thời gian để ổn định lại nếu các cuộc đàm phán NAFTA thất bại. Chắc chắn Quốc hội sẽ có những động thái phản đối quyết định này.

Dự đoán diễn biến sắp tới sau khi những cuộc đàm phán đã không diễn ra suôn sẻ, tác giả bài viết cho rằng Tổng thống Trump có thể sẽ yêu cầu rút khỏi NAFTA trong vòng 6 tháng như ông đã từng nói. 

Mặt khác, ngay cả khi Mỹ đề xuất đàm phán song phương riêng rẽ với Canada và Mexico, quyết định rút khỏi NAFTA sẽ gây ra một cuộc tranh cãi nội bộ về việc liệu quyết định này có nằm trong đặc quyền của Tổng thống hay không. 

Kết quả là Tòa án tối cao sẽ phải nhúng tay. Đây có thể là mấu chốt của vấn đề vì Hiến pháp Mỹ không quy định rõ ràng về việc lãnh đạo hay cơ quan lập pháp mới có quyền hủy bỏ hiệp ước.

Bên cạnh đó, cộng đồng kinh doanh thu lời từ NAFTA sẽ có những động thái thúc đẩy Quốc hội chống lại quyết định rút khỏi NAFTA, đồng thời kêu gọi cơ quan lập pháp tiếp tục tham gia thỏa thuận thương mại.  

Những tác động xấu của cuộc tranh luận thương mại cũng có thể sẽ dẫn đến tổn thất về mặt pháp lý. Khả năng hợp tác giữa Quốc hội và Tổng thống trong các vấn đề lớn như cải cách thuế sẽ bằng không, dẫn đến bế tắc về chính sách.

Khi Mỹ trở thành một đối tác thiếu tin cậy, Canada, Mexico - những nước tham gia thảo luận TPP ngay từ đầu - sẽ cố gắng hồi sinh TPP cùng với những nước còn lại, bao gồm cả Nhật Bản. Trớ trêu thay, nếu một phiên bản mới TPP 2.0 được thông qua, thị trường xuất khẩu của Mỹ có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự tiếp cận ưu đãi giữa các đối tác TPP 2.0.

Cuối cùng, chuyên gia Sulzenko cho rằng tất cả những tranh cãi này sẽ được đưa vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ và không có nhiều triển vọng rõ ràng về định hướng chính sách thương mại của Mỹ cho đến tháng 11/2018. 

Trong thời điểm này, Canada tốt nhất không nên xem xét về việc đàm phán song phương cho tới khi Mỹ thực sự nhận ra vấn đề và xác định rõ mục tiêu của mình.

Một năm là một thời gian rất dài trong chính trị và tình hình lúc đó có thể sẽ rất khác so với thời điểm hiện tại và có thể ngành thương mại sẽ có những bước tiến mới. NAFTA vẫn có thể được giữ gìn nguyên vẹn và các cuộc đàm phán có thể được tiếp tục trên cơ sở thực tế hơn. 

Nhưng trong bối cảnh hiện tại, Canada nên bình thản và để mặc cho “người hàng xóm” tự giải quyết vấn đề của họ.

Mỹ luôn là đối tác thương mại số một của Canada. Tuy nhiên nếu những tình huống trên xảy ra, Canada nên đầu tư thời gian và nỗ lực nhiều hơn để có thể tiếp cận tốt hơn với các thị trường nước ngoài quan trọng khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục