Quân đội có thực sự kiểm soát nền kinh tế Cuba?

05:30' - 12/07/2017
BNEWS Quyết định của Tổng thống Donald Trump cấm các doanh nghiệp giao dịch với các đối tác Cuba do quân đội kiểm soát đã một lần nữa làm nổi bật vai trò của các lực lượng vũ trang trong nền kinh tế Cuba.
Quân đội có thực sự kiểm soát nền kinh tế Cuba? Ảnh: Reuters

Tuy nhiên nhận định rằng quân đội Cuba kiểm soát tới 60% nền kinh tế có chính xác?

Theo nhật báo The Huffinfton Post (Mỹ), rõ ràng, vai trò của doanh nghiệp quân đội ở Cuba là rộng lớn, vươn tới nhiều lĩnh vực khác nhau và lớn mạnh trong vài năm qua cùng với đà tăng trưởng của ngành du lịch, nơi các doanh nghiệp quân đội có mức độ tập trung cao nhất.

Những doanh nghiệp này cũng đúng là do Tập đoàn quản lý doanh nghiệp (GAESA) thuộc Bộ Các lực lượng vũ trang Cuba (MINFAR) kiểm soát.

Tuy nhiên, giả thuyết được lan truyền rộng rãi trong báo chí phương Tây ngay sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng quân đội Cuba kiểm soát tới 60% nền kinh tế - với khởi đầu là tờ Miami Herald và sau đó được các tờ The Economist, Politico, The Guardian, The Times, Business Insider lặp lại – liệu có chính xác?

Chỉ cần rà soát sơ bộ tỷ trọng của các lĩnh vực kinh tế trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cuba cũng có thể thấy lời khẳng định “chắc nịch” trên là một sai lầm thô thiển.

Những lĩnh vực mà quân đội không tham gia hoặc tham gia không đáng kể đã chiếm tới hơn nửa giá trị GDP, và trong những lĩnh vực có doanh nghiệp quân đội tham gia, vẫn có tỷ trọng rất lớn của các doanh nghiệp dân sự (Thống kê biên niên Cuba 2015).

Vậy tỷ trọng thực sự của các doanh nghiệp quốc phòng trong nền kinh tế Cuba là bao nhiều và con số 60% bắt nguồn từ đâu?

Nhìn chung, Chính phủ Cuba không thông tin về thu nhập của các doanh nghiệp riêng lẻ, nhưng từ số liệu chính thức được công bố của một vài tập đoàn lớn có thể đưa ra những ước tính hợp lý: thu nhập chung của các doanh nghiệp do quân đội quản lý đạt giá trị 970 triệu USD vào năm 1997.

Xét tới việc đa phần của con số trên đến từ ngành du lịch, có thể giả sử rằng chỉ số tổng thu nhập này tăng cùng tốc độ với tăng trưởng của ngành du lịch Cuba trong những năm qua.

Năm 1997, Cuba đón 1,2 triệu lượt du khách quốc tế (theo Biên niên số liệu Cuba năm 2004). Năm 2016, Cuba đón 4,1 triệu lượt khách, tăng 249%, và nếu cách tính theo tỷ lệ thuận này, tổng thu nhập của các doanh nghiệp “dính líu tới quân đội” – như định nghĩa của Washington – trong năm 2016 sẽ ở mức khoảng 3,4 tỷ USD.

Có thể kiểm chứng tính khả tín của phép ước lượng này bằng những số liệu của 3 doanh nghiệp quân đội lớn nhất là các tập đoàn Gaviota, Cimex và TRD. Gaviota là thể chế kinh doanh lớn nhất do quân đội quản lý, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch.

Doanh thu của ngành công nghiệp không khói của Cuba vào năm 2015 là 2,8 tỷ USD (Biên niên thống kê Cuba 2015); trong khi dù là công ty có tỷ trọng lớn nhất trong ngành này, Gaviota còn xa mới là công ty độc quyền, và họ kiểm soát khoảng 40% tổng số các phòng khách sạn trên cả nước (mặc dù tỷ lệ này ở các khách sạn sang trọng nhất cao hơn và ở các khách sạn thấp cấp là thấp hơn), bên cạnh các dịch vụ như cho thuê xe, taxi du lịch và nhà hàng.

Như vậy, có thể doanh thu của Gaviota chiếm 60% ngành du lịch Cuba, hay khoảng 1,7 tỷ USD.

Cimex có doanh thu 740 triệu USD vào năm 2004. Nếu sử dụng đúng biện pháp tăng doanh thu theo tỷ lệ thuận của tăng trưởng du lịch (mặc dù tập đoàn này ít tập trung vào du lịch hơn so với Gaviota) thì doanh thu ước tính của Cimex trong năm 2016 có thể đạt khoảng 1,3 tỷ USD.

Nhóm Tư vấn La Habana, có Chủ tịch Emilio Morales từng là lãnh đạo của Cimex, ước tính thu nhập của tập đoàn này ở mức 1,2 tỷ USD.

TRD – chuỗi cửa hàng được thành lập nhằm thu hút ngoại tệ lưu thông trong lãnh thổ Cuba – đạt doanh thu bán hàng 250 triệu USD năm 2004. Nếu sử dụng cùng biện pháp đã nêu, doanh thu năm 2016 của TRD sẽ ở mức 442 triệu USD.

Theo cách tính này, tổng doanh thu ước tính của 3 công ty trụ cột của GAESA sẽ ở mức 3,45 tỷ USD năm 2016, rất gần với mức 3,4 tỷ USD đã nêu ở phần trên dựa vào những số liệu thu nhập tổng thể của MINFAR. Emilio Morales, sử dụng các số liệu tập hợp được trong 15 năm qua, thì ước tính tổng doanh thu của GAESA ở mức khoảng 3,8 tỷ USD.

Ngay cả khi sử dụng số liệu của Morales, tức là số liệu lớn nhất trong ba mức ước tính, thì doanh thu của GAESA cũng mới tương đương 21% tổng thu nhập ngoại tệ của các doanh nghiệp nhà nước và thành phần kinh tế tư nhân, 8% tổng thu nhập của các doanh nghiệp nhà nước và chỉ tương đương 4% GDP của Cuba (Biên niên thống kê Cuba 2015).

Vẫn còn một khoảng cách rất dài từ con số này tới giả thuyết “60% nền kinh tế”, cho dù dùng thước đo nào.

Vậy con số 60% từ đâu ra? Nó được tờ Miami Herald đưa ra lần đầu vào tháng 2/2004, trích dẫn số liệu Dự án Diễn biến Cuba (CTP), thuộc Viện Nghiên cứu Cuba và Cuba – Mỹ (IECC) của Đại học Miami, một dự án được Chính phủ Mỹ tài trợ và luôn có quan điểm chống La Habana cực đoan.

Giám đốc IECC Jaime Suchlicki sau đó đã nhiều lần lặp lại nhận định này và từng viết trong biên bản một hộinghị của CTP tháng 11/2004 rằng: “Hiện tại, hơn 65% các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước chính nằm trong tay của các sĩ quan quân đội tại ngũ hoặc đã xuất ngũ”.

Mặc dù không bao giờ dẫn chứng ra những con số hay bằng chứng làm cơ sở, công thức mà Suchlicki đưa ra không chỉ bao gồm các doanh nghiệp do quân đội nắm giữ mà mở rộng sang cả các tổ chức, công ty dân sự hoặc cả một cơ quan cấp bộ nào đó do quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ nắm giữ.

Điều này hàm ý rằng tất cả các tổ chức và doanh nghiệp loại này đều do quân đội kiểm soát, dù không có chút cơ sở nào cho kết luận này.

Ngược lại, do các thể chế quân đội Cuba luôn nằm trong số những thể chế có hiệu quả nhất, việc quân đội “xuất khẩu” các nhà quản lý và lãnh đạo sang ngạch dân sự là một truyền thống có từ những năm 1970, chưa kể tới việc do đặc điểm học thuyết quốc phòng (“chiến tranh nhân dân”) và cơ chế tuyển quân của Cuba, tỷ lệ người dân, đặc biệt là nam giới tại quốc đảo này từng kinh qua quân ngũ là khá cao.

Dần dà qua năm tháng, giả thuyết trên dần dần được “rút gọn” lại thành GAESA thuộc MINFAR kiểm soát hơn 60% nền kinh tế Cuba và trở nên phổ biến khi xuất phát từ một cơ quan nghiên cứu và được cả các nguồn “uy tín” như tờ The Wall Street Journal hay Quỹ Trao quyền vì Dân chủ (National Endowment for Democracy do Chính phủ Mỹ cấp ngân sách) trích dẫn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục