Quản lý chặt tàu cá, thực hiện nghiêm Luật Thủy sản

15:45' - 17/10/2023
BNEWS Quản lý chặt đội ngũ tàu khai thác, đánh bắt xa bờ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai suốt 6 năm qua, kể từ khi Ủy ban châu Âu cảnh báo "thẻ vàng" đối với nghề cá Việt Nam.

Với những nỗ lực trong suốt thời gian này, nghề cá Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đã chung tay trong việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. Đây cũng là quy định chặt chẽ cho doanh nghiệp và ngư dân khi tham gia vào sân chơi quốc tế.

Tuyền truyền sâu rộng

Tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng phối hợp Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng và Công an huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng tổ chức truyền truyền về phòng, chống khai thác (IUU) cho gần 100 ngư dân, chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trên địa bàn khu vực biên giới biển.

 

Theo đại diện Chi cục Thuỷ Sản tỉnh Sóc Trăng, các ngư dân được phổ biến, quán triệt các nội dung: Các quy định của Ủy ban châu Âu về khai thác hải sản; trong đó, tập trung vào 12 hành vi khai thác vi phạm IUU; những tác hại, tác động của các lệnh phạt IUU của Ủy ban châu Âu đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Cũng thông qua các buổi tập huấn, các ngư dân cũng được tuyên truyền quán triệt Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU; Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và các quy định của chính quyền các cấp về khai thác hải sản và phòng, chống IUU ở địa phương.

Các hoạt động này cũng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho ngư dân về khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, vùng biển quốc tế và nước ngoài.

Đồng thời, các hoạt động này còn thể hiện sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng và chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác hải sản; từng bước chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Cùng với tỉnh Sóc Trăng, các địa phương khác như Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tổ chức tuyên truyền để nâng cao ý thức trong khai thác bất hợp pháp trong cộng đồng ngư dân.

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre mở đợt cao điểm truyền thông chống khai thác IUU trong thời gian từ ngày 1/10 đến khi Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu kết thúc công tác thanh tra; tiếp tục thực hiện hoàn thành mục tiêu đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác 100% tàu cá.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre chia sẻ, Sở đã củng cố công tác giám sát hành trình tàu cá, tập trung giám sát chặt chẽ tàu thuộc diện nguy cơ cao, tàu thường xuyên khai thác ở vùng giáp ranh.

Đồng thời, phối hợp với Trung tâm chỉ huy thông tin của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và 4, kịp thời thông tin, xử lý các tình huống ngay trên thực địa, không để xảy ra bất kỳ vụ vi phạm nào trong thời gian từ nay đến Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu khi kết thúc công tác thanh tra tại Việt Nam…

Nghiêm khắc xử lý vi phạm

Quá trình giám sát hành trình của người dân đánh bắt, khai thác trên biển luôn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương theo dõi sát sao, chặt chẽ. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, đến nay, Bến Tre chưa có tàu khai thác vi phạm bị nước ngoài bắt giữ xử lý. Tuy nhiên, có 2 tàu khai thác vượt ranh bị  Bộ tư lệnh vùng cảnh sát biển 4 bắt giữ, bàn giao, tỉnh đã xử lý phạt tiền 816 triệu đồng, bắt buộc nộp Ngân sách nhà nước số tiền 537,45 triệu đồng.

Riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lực lượng Bộ đội biên phòng cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thượng tá Trần Ngọc Tăng, Phó Chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh nhấn mạnh, các chiến sĩ Bộ đội biên phòng phải luân phiên trực 24/24 tại chốt, trạm kiểm soát, giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm của cấp trưởng (đồn trưởng, chính trị viên, trạm trưởng) nếu để xảy ra tình trạng địa bàn có nhiều tàu cá, ngư dân vi phạm bị bắt giữ.

Kể từ cuối năm 2022 cho đến nay, lực lượng Bộ đội biên phòng các cấp đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng cho hơn 42 nghìn lượt tàu cá với hơn 302 nghìn lượt thuyền viên ra vào hoạt động trên biển. Trước khi tàu cá xuất bến hành nghề, 100% chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động khai thác thủy sản xa bờ phải ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái pháp luật.

Để thực hiện tốt việc quản lý, giám sát tàu cá đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như tại các vùng biển khác, lực lượng bộ đội biên phòng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ xóa sao cho đội ngủ người dân của tỉnh.

Cụ thể, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với các địa phương xây dựng 346 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với 2.350 phương tiện tham gia; tổ chức tuyên truyền 5 buổi tập trung cho 34.851 lượt chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân; tuyên truyền 168 giờ thông qua loa phát thanh tại các địa phương; cấp phát 1.400 tờ rơi, hơn 1.700 lá cờ Tổ quốc… Thông qua công tác tuyên truyền, nắm tình hình, ngư dân đã cung cấp cho Bộ đội biên phòng tỉnh nhiều nguồn tin có giá trị về tình hình, hoạt động của nước ngoài trên biển.

Ông Nguyễn Đôn Quang, chủ 2 tàu cá ở xã Phước Hưng, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, qua các buổi tập huấn của Bộ đội biên phòng, ông cũng hiểu rõ trách nhiệm của ngư dân, tàu cá trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và nghiêm túc chấp hành các quy định chống khai thác IUU để cùng cả nước gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. Từ đó đội ngũ tàu thuyền của ông cũng như của các ngư dân lân cận hạn chế những vi phạm do thiếu hiểu biết, tránh được tình huống bị xử phạt nặng, không còn phương tiện vươn khơi, bám biển mưu sinh/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục