Quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên

18:59' - 10/02/2021
BNEWS Một trong những nội dung được ngành xây dựng chú trọng là quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường...

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, ngành xây dựng đã chủ động lập chương trình hành động để triển khai thực hiện.

Một trong những nội dung được ngành xây dựng chú trọng là quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Bộ Xây dựng cam kết thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong các kế hoạch, chương trình, cam kết quốc tế của Chính phủ về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; trong đó chú trọng đến các đô thị, vùng chịu tác động lớn của thiên tai.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ chủ động xây dựng kịch bản và đề xuất phương án ứng phó với các tình huống bất ngờ như thảm họa thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên diện rộng, yếu tố cực đoan do biến đổi khí hậu, môi trường.

Theo đó, Bộ tiến hành rà soát, nghiên cứu, bổ sung, lồng ghép những nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh... vào các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, định mức kinh tế kỹ thuật.

Cùng đó, Bộ chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm huy động nhiều nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Nam Trung Bộ trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng tác động sâu rộng.

Để phù hợp với đòi hỏi từ thực tế, thời gian tới, ngành xây dựng khuyến khích áp dụng công nghệ số và mô hình quản lý thông minh trong quản lý, vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật; thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong quy hoạch xây dựng cũng tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung; trong đó, nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số dự án quy hoạch, chương trình ưu tiên trọng điểm phát triển đô thị xanh, sinh thái, kiến trúc xanh, mô hình kiến trúc, nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, giai đoạn 2021 – 2030, Bộ tiếp tục xây dựng Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương lập Đề án xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu Việt Nam thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn 2045 trình Bộ Chính trị.

Chương trình vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo được đẩy mạnh.

Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu tiên phát triển những công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hóa cao sử dụng tối đa công nghệ số, công nghệ nano, sử dụng nhiên liệu tái chế, các loại chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu; các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung, sản phẩm tái chế.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cải tạo, hiện đại hoá các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng sẽ được chú trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục