Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ: Tháo điểm nghẽn về cơ chế tự chủ tài chính

08:06' - 02/04/2020
BNEWS Việc quản lý các loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, đặc biệt là các điểm nghẽn gây ách tắc trong lộ trình triển khai cơ chế tự chủ tài chính.

Chiếm gần 50% diện tích đất lâm nghiệp, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là hệ thống rừng giữ vai trò hết sức quan trọng phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc quản lý các loại rừng này đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, đặc biệt là các điểm nghẽn gây ách tắc trong lộ trình triển khai cơ chế tự chủ tài chính.

Đến nay, cả nước đã thành lập 395 khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, quản lý 6,75 triệu ha, chiếm 46,7% đất lâm nghiệp.

Để bảo vệ, bảo tồn và phát triển các loại rừng trên, bên cạnh các chính sách đầu tư của Nhà nước, các ban quản lý rừng đã nỗ lực khắc phục khó khăn thu hút các nguồn vốn từ xã hội hóa, tạo cơ chế tài chính bền vững, nhưng bên cạnh đó, còn nhiều ban quản lý vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách để hoạt động.

Trong giai đoạn 2014-2019 tại các địa phương, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho hoạt động khoán bảo vệ rừng đặc dụng chiếm khoảng 69%; với rừng phòng hộ chiếm khoảng trên 39,2%. Nguồn vốn đầu tư cho hoạt động phục hồi phát triển rừng với rừng đặc dụng, ngân sách trung ương hỗ trợ chiếm 38,8%; rừng phòng hộ chiếm 72%.

Ngoài ra, Nhà nước cũng phải đảm bảo phần lớn nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị phục vụ trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Ngoài nguồn cấp từ ngân sách, các đơn vị quản lý rừng loại trên có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng hay các dự án chi trả.

Tuy nhiên, cả nước mới có 74/164 ban quản lý rừng đặc dụng được chi trả dịch vụ môi trường rừng với 1,148 triệu ha, chiếm khoảng 48% về diện tích rừng đặc dụng; có 154/231 ban quản lý rừng phòng hộ được chi trả dịch vụ môi trường rừng với 1,75 triệu ha, chiếm khoảng 62% về diện tích rừng phòng hộ.

Báo cáo của các ban quản lý rừng đặc dụng phòng hộ cho thấy, ngoài nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, chỉ có 60 khu rừng đặc dụng có tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; còn 231 ban quản lý rừng phòng hộ chưa có tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, đến nay, 85% các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã xây dựng phương án tự chủ, được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt và phân loại mức độ tự chủ. 

Bước đầu tất cả các Ban quản lý đã tự chủ xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học; tự chủ về tài chính, thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái và các dịch vụ sự nghiệp khác nhằm thu hút các nguồn lực tài chính tăng cường cho bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Hồng Lượng, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, thông qua việc tự chủ tài chính, đơn vị sẽ chủ động, tích cực huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, bảo tồn, tự chủ trong sắp xếp bộ máy, huy động nguồn lực...

Việc tự chủ sẽ giúp đơn vị thực hiện chi tiêu hiệu quả, tiết kiệm, tạo tích lũy để cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên.

Với lợi thế tự nhiên trong phát triển du lịch, Vườn quốc gia Cát Tiên đặt mục tiêu tăng trưởng từ 15-20% khách du lịch với doanh thu từ hoạt động này tăng từ 10-15%.

Đây là nguồn lực quan trọng để vườn huy động, bảo đảm chi phí cho các hoạt động dịch vụ và bổ sung cho ngân sách nhà nước trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Đỗ Hữu Thế, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì cho biết, hoạt động tự chủ của đơn vị phụ thuộc vào nguồn chính là du lịch sinh thái và cho thuê môi trường rừng. Dự kiến, năm 2021, Vườn sẽ tự chủ 100% hoạt động chi thường xuyên của đơn vị.

Vườn sẽ cụ thể hóa về liên doanh, liên kết, cho thuê môi trường rừng trong tình hình mới; nghiên cứu tăng các khoản thu ngoài nguồn phí thăm quan, phí thuê môi trường rừng... Vườn đề xuất Tổng cục Lâm nghiệp cho phép thí điểm thực hiện cơ chế khoán nhiệm vụ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng tính trách nhiệm trong từng hạng mục.

Bên cạnh một số đơn vị đang từng bước tự chủ hoàn toàn, đa số các ban quản lý vẫn thụ động, trông chờ hướng dẫn từ cấp trên, chờ đợi vào ngân sách nhà nước.

Có rất ít ban quản lý tự vận động xây dựng danh mục các dịch vụ sự nghiệp, tự xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng trong nội bộ, tự xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ, đánh giá hiệu quả trong quản lý.

Điểm nghẽn nổi lên trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các ban quản lý, theo ông Nguyễn Quốc Trị là vấn đề thiếu đồng bộ trong các hoạt động quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác.

Trong rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, nổi cộm nhất là việc chưa hoàn thành rà soát, bổ sung, xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho các dịch vụ sự nghiệp công.

Trong khi đó, nếu không có hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật sẽ không có cơ sở xác định được chi phí, giá dịch vụ, không có cơ sở khoa học làm căn cứ giao dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị.

Các cơ quan quản lý tài chính không thể giao dự toán ngân sách nhà nước, giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với các nội dung chi không thường xuyên, các nhiệm vụ đặc thù bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn, cứu hộ, điều tra, thống kê…

Đây là vấn đề tồn tại, là điểm nghẽn gây ách tắc trong lộ trình triển khai cơ chế tự chủ tài chính tại các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, ông Nguyễn Quốc Trị cho hay.

Ông Nguyễn Hồng Lượng cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng, ban hành các định mức dịch vụ công làm cơ sở giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho các khu rừng.

Đó là định mức bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng...

Theo ông Lượng, để triển khai cơ chế tự chủ tại các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cần sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước các cấp Trung ương, địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giao Vụ Kế hoạch phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất, xây dựng dự án nhằm tăng cường bảo tồn loài, bảo vệ vùng sinh cảnh và thúc đẩy khả năng tự chủ dựa vào phát triển du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng, phòng hộ của Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Như vậy, các khu rừng đặc dụng phòng hộ từng bước tự chủ được về tài chính, thông qua tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái. Đến năm 2025, sẽ có 50% các khu rừng đặc dụng phòng hộ có hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đạt hiệu quả; hàng năm thu hút từ 15-20% lượng khách du lịch tại Việt Nam.

Để đảm bảo hiệu quả trong bảo vệ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các khu rừng đặc dụng, phòng hộ và cơ quan quản lý ở địa phương rà soát, xác định ranh giới, lập hồ sơ địa chính, trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ bản hoàn thành việc cắm mốc giới lâm phận trong năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục