Quản lý sử dụng tài nguyên đất đai bền vững trong kỷ nguyên số

07:30' - 14/07/2025
BNEWS Việc quản lý và sử dụng đất đai một cách hiệu quả, minh bạch, bền vững là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh lương thực, cân bằng sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Trong ngày 11 - 12/7, tại Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ 3 với chủ đề “Quản lý đất đai bền vững”. 

Đây là diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng công nghệ, nhằm phục vụ cho quản lý và phát triển bền vững tài nguyên đất. Qua đó, các đại biểu đề xuất các hướng nghiên cứu, hợp tác, tăng cường chuyển công nghệ và nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh: Đất đai là tài nguyên hữu hạn và là nền tảng thiết yếu cho mọi hoạt động sản xuất và sinh sống của con người.

Việc quản lý và sử dụng đất đai một cách hiệu quả, minh bạch, bền vững là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh lương thực, cân bằng sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển thịnh vượng, hài hòa cho cả hiện tại và tương lai.

 

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, công tác quản lý đất đai hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như suy thoái đất do khai thác quá mức, sử dụng không hợp lý và ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng sử dụng của đất; quy hoạch và sử dụng đất chưa hợp lý, mất cân đối giữa phát triển đô thị, công nghiệp với bảo tồn thiên nhiên; gia tăng tranh chấp đất đai, thiếu minh bạch trong quản lý và phân bổ nguồn lực...

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo xoay quanh vấn đề đổi mới đào tạo ngành quản lý đất đai trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam; quản lý sử dụng đất bền vững trong kỷ nguyên số: từ đổi mới công nghệ đến thay đổi hành chính; quản lý đất đai và sự phát triển bền vững; giải pháp công nghệ nền tảng tích hợp - quản trị, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính trong bổi cảnh mới…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho rằng trong bối cảnh mới, việc quản lý, khai thác tài nguyên đất là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. Trong đó, chú trọng quản lý nhà nước về đất đai ở tại địa phương, đặc biệt là việc triển khai của Luật Đất đai năm 2024 và thực hiện chính quyền địa phương hai cấp bắt đầu từ ngày 1/7/2025.

Đối với các chương trình đào tạo về chuyên ngành đất đai tại các trường, thời gian tới, bên cạnh việc trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, việc cùng thống nhất các nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo ngành quản lý đất đai cũng nên được đơn vị đào tạo trong toàn quốc thống nhất chung, đảm bảo được sự liên thông cho sinh viên, học viên, thuận tiện cho việc trao đổi học thuật, tham gia các hội đồng khoa học, đào tạo của các trường.

Điều này sẽ phát huy được lợi thế, nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà khoa học để có góp ý, phản biện vào việc xây dựng chính sách về đất đai của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đặc biệt là việc triển khai Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định, Thông tư dưới Luật theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý còn nêu ý kiến đóng góp về quản lý nhà nước về đất đai; biến đổi khí hậu và quản lý đất đai; công nghệ quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu; quản lý, đánh giá và quy hoạch sử dụng đất đai…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục