Quản lý tiêm chủng trọn đời theo mã số cá nhân

11:18' - 31/03/2017
BNEWS Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được khai trương và sẽ được triển khai trên toàn bộ các trạm y tế cơ sở trong cả nước từ ngày 1/1/2018.

Để cộng đồng hiểu rõ hơn về lợi ích của hệ thống này đối với cán bộ y tế cũng như người dân, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế).

Phóng viên: Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố. Bà có thể chia sẻ về kết quả triển khai tại các địa phương này?

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Việc triển khai áp dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là một trong những hoạt động quan trọng của Bộ Y tế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Theo đó, Hệ thống này sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc trước ngày 1/1/2018.

Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng nhằm quản lý dữ liệu tiêm chủng của từng cá nhân. Ngày 28/12/2016, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 9145/BYT-DP gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai áp dụng Hệ thống trên toàn quốc.

Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế). Ảnh: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Đến nay, 5 tỉnh, thành phố đã áp dụng thí điểm gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại các địa phương này, trạm y tế xã, phường đã nhập liệu thông tin cơ bản và tiền sử tiêm của trẻ em trong 2 năm gần nhất trên địa bàn quản lý.

Theo đó, 1.404 cơ sở đã tham gia nhập liệu và sử dụng hệ thống, bao gồm 83 đơn vị tuyến huyện, 1.274 trạm y tế xã, 34 bệnh viện, 13 cơ sở tiêm chủng dịch vụ với 77 3 . 567 trẻ được quản lý thông tin tiêm chủng.

Ngày 24/3/2017, Bộ Y tế phối hợp với Viettel đã khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

Trong thời gian qua, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống cho tuyến khu vực và cùng với tổ chức PATH (Tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực y tế) hỗ trợ triển khai tập huấn cho tuyến huyện, xã của 16 tỉnh khó khăn.

Các tỉnh, thành phố còn lại cũng đã xây dựng kế hoạch trình Sở Y tế, Ủy ban nhân dân. Trong 2 tháng ( tháng 4-5/2017), các địa phương sẽ hoàn thành công tác tập huấn sử dụng hệ thống để bắt đầu triển khai trên toàn quốc từ 1/6/2017.

Phóng viên: Bà có thể cho biết cụ thể về qui trình cập nhật và quản lý thông tin về đối tượng tiêm chủng, cụ thể là trẻ em trong Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia?

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Hệ thống đảm bảo quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng (như trẻ em và phụ nữ) theo mã; quản lý suốt đời từ khi trẻ sinh ra (bao gồm cả tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ); quản lý vật tư vắc xin và các tiện ích khác.

Cụ thể, đối với các cháu mới sinh ra tại các cơ sở khám chữa bệnh có khoa sản, trạm y tế, trước khi thực hiện tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh , cán bộ y tế sẽ cập nhật thông tin cơ bản của trẻ lên hệ thống. Hệ thống sẽ tự động sinh ra mã số tiêm chủng cá nhân (ID), đây là mã số duy nhất cho từng trẻ.

Hệ thống sẽ tự động gửi thông báo đến Trạm y tế xã,phường nơi bà mẹ cư trú để tiếp tục theo dõi. Nếu trẻ nằm ngoài độ tuổi sơ sinh hoặc là trẻ mới từ nơi khác đến sống, cán bộ y tế sẽ tạo mã số cho trẻ và cập nhật thông tin các mũi tiêm, lần uống vắc xin trước đó.

Với những trẻ đã có mã số, để tìm kiếm thông tin của trẻ chỉ cần cần nhập một trong các thông tin sau: Mã số tiêm chủng cá nhân; Họ tên trẻ, họ tên mẹ; Ngày tháng năm sinh; Số điện thoại của mẹ hoặc của bố; Địa chỉ đăng ký hộ khẩu, địa chỉ nơi ở hiện tại.

Đối với mỗi mũi tiêm, Hệ thống sẽ hiển thị 4 bước để cán bộ y tế nhập thông tin: tiếp đón, khám sàng lọc, thực hiệm tiêm và theo dõi sau tiêm. Tất cả các thông tin này sẽ được cập nhật và lưu trữ.

Quản lý tiêm chủng trọn đời từ khi trẻ sinh ra theo mã số cá nhân. Ảnh: TTXVN

Hệ thống cho phép cán bộ y tế xem danh sách lịch sử các mũi tiêm và tình trạng phản ứng sau tiêm trước đây của trẻ (nếu có) để có chỉ định tiêm chủng, tư vấn các mũi tiêm tiếp theo phù hợp.

Do trẻ có thể được tiêm chủng tại các trạm y tế, cơ sở khám chữa bệnh có phòng sinh, khoa sản hoặc cơ sở tiêm chủng dịch vụ, thông tin tiêm chủng của trẻ phải được tất cả các cơ sở nêu trên cập nhật.

Để cập nhật đầy đủ thông tin tiêm chủng của trẻ, tất cả các cơ sở y tế có triển khai tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế có sinh, trạm y tế xã phường, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cần thực hiện và triển khai sử dụng đồng bộ Hệ thống này .

Đây là việc quan trọng để cán bộ y tế nắm được tiền sử tiêm chủng của trẻ và tư vấn phù hợp, đảm bảo trẻ được tiêm chủng đúng lịch không chỉ các vắc xin thuộc C hương trình t iêm chủng mở rộng mà cả các vắc xin dịch vụ để tăng cơ hội trẻ phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm.

Phóng viên: Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được triển khai tại tất cả các trạm y tế trong cả nước sẽ mang lại những tiện ích gì cho cán bộ tiêm chủng và người dân, thưa bà?

Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Đây là một Hệ thống mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho ngành Y tế mà còn cho cả người dân. Hệ thống giúp cán bộ tiêm chủng quản lý được thông tin mũi tiêm, lần uống trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.

Việc quản lý thông tin theo cách này sẽ giúp truy cập nhanh và đầy đủ hồ sơ tiêm chủng của các cá nhân. Cán bộ y tế có thể biết trẻ đã tiêm những mũi tiêm nào, ở đâu; giúp tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm hồ sơ đối tượng, tìm kiếm lịch sử mũi tiêm trước đây của trẻ em.

Hệ thống tự động lập danh sách trẻ cần hẹn tiêm trong buổi tiêm chủng tiếp theo, về lâu dài sẽ góp phần giảm gánh nặng cho cán bộ y tế, giúp quản lý tốt hơn công tác tiêm chủng, thay thế báo cáo giấy. Trong thời gian tới , hệ thống sẽ được hoàn chỉnh để quản lý vắc xin, vật tư tiêm chủng.

Đặc biệt, dù trẻ di chuyển đến nơi ở mới hoặc đi tiêm chủng tại các cơ sở khác, sau khi nhập mã số, các thông tin về các lần tiêm chủng của trẻ sẽ được hiển thị, giúp cho cán bộ y tế dễ dàng nắm bắt tình trạng tiêm chủng của trẻ, có chỉ định tiêm vắc xin phù hợp; tư vấn các mũi tiêm tiếp theo cho trẻ .

Bên cạnh đó, các gia đình có thể tra cứu tình trạng tiêm chủng của con em mình trên máy tính hoặc điện thoại di động . Thông tin tiêm chủng cá nhân được lưu trữ lâu dài. Trong thời gian tới, chức năng gửi thông báo mời tiêm, nhắc lịch tiêm sẽ được xem xét triển khai.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ có thể tra cứu thông tin giải đáp cơ bản về tiêm chủng.Thông tin về các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ cũng sẽ được cung cấp để cha mẹ có lựa chọn phù hợp…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục