Quần thể di tích Cố đô Huế: * Bài 1: Hành trình cứu nguy khẩn cấp

17:51' - 26/08/2022
BNEWS Quần thể di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Gần 30 năm, kể từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới (1993), Quần thể di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang triển khai xây dựng Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của các di sản vật thể và phi vật thể, qua đó giúp định hướng, tạo lập cơ sở pháp lý để khai thác, phát huy nguồn lực về di sản văn hóa, trở thành “hạt nhân” của đô thị di sản Thừa Thiên - Huế trong tương lai.

 

Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết phản ánh về hành trình đầy khó khăn để cứu nguy sự xuống cấp, hoang tàn của các công trình kiến trúc nơi đây nhằm bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành “hạt nhân” của đô thị di sản.

Bài 1: Hành trình từ cứu nguy khẩn cấp sang ổn định và phát triển

Nhà Nguyễn (1802 - 1945) là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đã để lại cho hậu thế một Cố đô Huế bề thế với mật độ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dày đặc có giá trị nổi bật toàn cầu. Tuy nhiên, để Cố đô Huế trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của Việt Nam như ngày hôm nay là một hành trình đầy khó khăn, chông gai.

* Dấu mốc hồi sinh di sản

Theo các nhà nghiên cứu, trong các cố đô của Việt Nam, Huế là cố đô duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm... Trải qua các cuộc chiến tranh và điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở khu vực miền Trung, Quần thể di tích Cố đô Huế đã bị tàn phá nặng nề.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện còn đang lưu giữ nhiều bức ảnh tư liệu về các địa điểm di tích cách đây hàng chục năm, cho thấy sự xuống cấp trầm trọng, hoang tàn, nhiều khu vực trở thành phế tích.

Sau chiến tranh, nhiều công trình kiến trúc độc đáo trong khu vực Tử Cấm Thành bị bom đạn phá hủy. Khu vực Hoàng Thành chỉ còn lại 62 công trình so với hơn 130 công trình kiến trúc ban đầu. Khu vực Kinh Thành chỉ còn 97 công trình nhưng cũng trong tình trạng hư hỏng nặng.

Bên cạnh đó, hàng năm, Cố đô Huế còn thường xuyên chịu tác động tiêu cực bởi mưa lũ. Trong đó, các trận lũ năm 1953, trận bão năm 1985, trận lũ lịch sử năm 1999… đã hủy hoại các di tích có lịch sử hàng trăm năm tuổi.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung chia sẻ, cùng với hậu quả nặng nề của chiến tranh, những biến động lịch sử và hoàn cảnh khó khăn của đất nước trong giai đoạn đầu mới giải phóng, sự lạc hậu về khoa học bảo tồn và nguồn lực đầu tư hạn chế nên công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Cố đô Huế gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Năm 1981, sau một lần đến thăm Huế, ông Amadou Mahtar M’Bow, Tổng Giám đốc UNESCO vào thời điểm đó đã ra Lời kêu gọi cứu vãn Di sản văn hóa Huế. Ông Amadou Mahtar M’Bow nhấn mạnh, di sản Huế đang ở trong tình trạng lâm nguy, đứng bên vực thẳm của sự diệt vong và quên lãng.

Chỉ có sự cứu nguy khẩn cấp với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế mới có thể giúp Cố đô Huế thoát ra khỏi tình trạng trên.

Theo ông Hoàng Việt Trung, sau lời kêu gọi trên, một cuộc vận động quốc tế hỗ trợ Cố đô Huế đã được triển khai mạnh mẽ. Những giá trị tiêu biểu, nổi bật của những di sản triều Nguyễn đã được nhìn nhận và đánh giá đúng với tầm vóc vốn có.

Từ đó, nhận thức về các di sản của triều đại này từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Giữa năm 1982, Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế được thành lập; sau này được đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Sau gần 30 năm, kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể đã có gần 200 công trình và hạng mục công trình được tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Đồng thời, chính quyền cũng di dời hơn 1.800 hộ dân ra khỏi khu vực I bảo vệ di tích.

Từ năm 2019 đến nay, thành phố Huế đang thực hiện Dự án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế” thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và đã có hàng ngàn hộ dân được di dời đến nơi ở mới, trả lại mặt bằng cho di tích, làm tiền đề cho việc tu bổ, lấy lại diện mạo của Kinh Thành Huế trong thời gian tới.

* Bước sang giai đoạn mới

Cùng với sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thừa Thiên -Huế đã quan tâm, ban hành các chính sách nhằm tạo nguồn lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Quần thể Di tích Cố đô Huế. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được để lại toàn bộ phí tham quan sau khi trừ đi chi phí hoạt động thường xuyên, phục vụ cho việc trùng tu.

Việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế là giải pháp để huy động các nguồn lực không những từ ngân sách mà từ các tổ chức, cá nhân. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phát hành xổ số kiến thiết nhằm tạo nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản.

Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ khôi phục nhiều công trình trọng yếu trong khu vực Đại Nội. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung nêu rõ: Khó khăn nhất trong việc triển khai các dự án trùng tu di tích hiện nay chính là việc tìm kiếm, nghiên cứu nguồn tư liệu lịch sử để làm cơ sở đối chứng, phục hồi di tích.

Thực tế, một số di tích được nghiên cứu trùng tu sẽ gặp những “điểm mờ” về tư liệu cũng như hiện trạng nên việc nghiên cứu trùng tu, phục dựng sẽ gặp khó khăn; quan trọng nhất là giữ được tính khách quan sau khi tham khảo nhiều ý kiến chuyên môn từ các nguồn khác nhau.

Theo ông Hoàng Việt Trung, mỗi một công trình kiến trúc Cung đình Huế chứa đựng nhiều yếu tố di sản đan xen. Hiện tại, để xây dựng hồ sơ một dự án trùng tu di tích đòi hỏi sự chuẩn bị công phu.

Đầu tiên là nguồn tư liệu để xác định sẽ trùng tu theo thời kỳ nào, chẳng hạn như xây dựng hồ sơ xây dựng điện Kiến Trung phải mất 10 năm, phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã kết nối với cơ quan lưu trữ bên Pháp, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng.

Hiện nay, Trung tâm đang lập hồ sơ phục dựng điện Cần Chánh chỉ còn lại nền móng trong khu vực Tử Cấm Thành và đề xuất phục dựng lại công trình Đại Cung Môn. Tuy nhiên, quy trình làm những công trình di tích đòi hỏi sự kỹ lưỡng, phải tập trung ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu do đó đòi hỏi phải có lộ trình, kế hoạch và đồng thời phải đảm bảo không gian cho du khách tham quan.

Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cung đình thời Nguyễn được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đặc biệt quan tâm chú trọng, đầu tư, nghiên cứu một cách bài bản, đồng bộ.

Đơn vị đã tổ chức nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, tạo cơ sở để phục dựng các loại hình nghệ thuật, lễ nghi quan trọng trong cung đình xưa (như: Lễ tế Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ Truyền Lô - vinh quy bái tổ, lễ hội thi Tiến sĩ Võ) cùng những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình (như: Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình...).

Tất cả đang trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, điểm nhấn tại các kỳ Festival Huế, góp phần lan tỏa giá trị di sản trong đời sống đương đại.(còn tiếp)

Bài 2: Xác định tầm nhìn phát triển mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục