Quảng Bình: Bức xúc vì ô nhiễm, người dân chặn cổng 3 nhà máy xi măng

14:19' - 07/11/2021
BNEWS Từ ngày 4-7/11/2021, nhiều người dân ở thôn Áng Sơn (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã căng dây, treo khẩu hiệu trước cổng và chốt chặn 3 cổng vào của 3 nhà máy sản xuất xi măng.

Do quá bức xúc về tình trạng ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn từ 3 nhà máy sản xuất xi măng đóng trên địa bàn, từ ngày 4-7/11/2021, nhiều người dân ở thôn Áng Sơn (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã căng dây, treo khẩu hiệu trước cổng và chốt chặn 3 cổng vào của các nhà máy trên.

Hiện nay, nằm cạnh các nhà máy có 15 hộ gia đình chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các hộ dân này đã tập trung trước cổng 3 nhà máy xi măng gồm: Nhà máy xi măng Áng Sơn; Nhà máy xi măng ViCem (Đà Nẵng) và nhà máy xi măng Áng Sơn của Công ty Cổ phần Cosevco 6, dùng đá hộc rải dày chặn xe ô tô ra vào nhà máy, các dụng cụ, thiết bị chặn đường được lắp đặt khá công phu như cọc, dây néo, băng rôn, áp phích...

Đặc biệt hơn, trước các cổng vào nhà máy, người dân dựng rạp khung thép có thể bám trụ lâu dài để chặn xe vào, ra nơi đây.

Với việc chặn đường vào các nhà máy xi măng, hàng chục xe chở vật liệu sản xuất của nhà máy không thể ra/vào, đành nằm chờ bên đường.

Dù bước sang tuổi 80, nhưng hai vợ chồng ông Trần Đình Nguyên, thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh đã phải đóng cửa ngôi nhà của mình.

Ông Nguyên bức xúc: Chúng tôi ở đây đã nhiều năm nay, trong xóm đã có 13 người mắc bệnh ung thư. 12 người đã mất những năm trước. Hằng ngày, có hàng trăm chuyến xe tải trọng lớn qua lại, tiếng ồn suốt ngày đêm, khói các nhà máy xả ra khiến không khí bị ô nhiễm, bụi mù mịt. Nhà chúng tôi phải đóng cửa cả ngày, nhưng bụi vẫn bám từng lớp, lau dọn suốt ngày nhưng không thể nào ngăn được sự ô nhiễm này.

"Chịu không nổi nên vợ chồng già này mới đi cùng mọi người chặn đường để mong các cấp, ngành có hướng giải quyết cho dân làng yên tâm sinh hoạt", ông Nguyên cho biết thêm.

Cùng với sự bức xúc đó, anh Bùi Mạnh Hùng cũng là người dân ở thôn Áng Sơn hy vọng các cơ quan chức năng có hướng giải pháp để người dân không còn phải chịu cảnh ô nhiễm này.

Ông Đoàn Kim Xuyên, Trưởng thôn Áng Sơn cho biết: Vì người dân quá bức xúc với vấn đề ô nhiễm bụi và khói từ các nhà máy nên mới dẫn đến việc chặn cổng vào. Nhiều lần, người dân đã có ý kiến và đơn thư đến các cơ quan chức năng, tuy nhiên do trả lời và giải quyết sự việc chưa thỏa đáng nên mọi người mới bức xúc.

Ông Xuyên cũng nhấn mạnh: Người dân cần câu trả lời thỏa đáng, họ cũng mong muốn một là ngừng hoạt động các nhà máy, hai là có chính sách di dời người dân, tạo điều kiện để tái định cư nơi ở, sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt cũng như đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Qua tìm hiểu, tại xã Vạn Ninh có 3 nhà máy xi măng đang hoạt động. Nguyên liệu của hai nhà máy xi măng Áng Sơn và nhà máy xi măng Áng Sơn của Công ty Cổ phần Cosevco 6 đều được các xe vận chuyển qua khu dân cư. Còn nhà máy xi măng ViCem trong những năm qua đã làm tuyến đường riêng, tách biệt với khu dân cư.

Trước thực trạng trên, trong 3 nhà máy, chỉ có đại diện Nhà máy xi măng ViCem đã có cuộc trao đối với trưởng thôn và người dân. Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Nhà máy xi măng ViCem cho biết: Trước các yêu cầu của bà con, thời gian qua, công ty đã luôn lắng nghe và chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện nhà máy đang ở ngưỡng đảm bảo an toàn môi trường. Các đơn vị có thẩm quyền cũng có thông báo với bà con. Riêng việc chuyên chở nguyên vật liệu, chúng tôi đã mở con đường riêng, không có xe đi qua khu dân cư. Nên việc gây ô nhiễm như người dân phản ánh là không đúng. Cùng với đó, việc chặn cổng vào nhà máy khiến chúng tôi không có nguyên liệu sản xuất, hiện đang rất khó khăn.

Ông Thịnh mong muốn các cấp chính quyền có ý kiến, trao đổi với người dân mở cổng cho xe chở nguyên vật liệu vào, ra nhà máy, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước thực trạng trên, chiều 6/11, ông Trần Xuân Tình, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cùng đại diện các cấp, ngành, đoàn thể địa phương đã có mặt tại cổng nhà máy.

Ông Tình cho biết: “Trước mắt là tuyên truyền, vận động, giải thích người dân phải chấp hành quy định pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, tránh những việc làm vi phạm pháp luật, không được gây mất an ninh trật tự. Đề nghị bà con chấm dứt việc làm, hành động căng dây, dựng lều bạt trước cổng nhà máy".

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên người dân sống xung quanh nhà máy xi măng có những phản đối trên. Thế nhưng, qua thời gian, đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Việc này xảy ra lâu rồi, dân kiến nghị nhiều năm rồi. Tỉnh, huyện, xã đã có nhiều giải pháp để khắc phục. Gần đây nhất, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành của tỉnh để kiểm tra lại toàn bộ thông số về môi trường của 2 nhà máy xi măng và đã có kết luận. Nhưng người dân vẫn chưa đồng ý một số nội dung của kết luận nên những ngày này đã có động thái trên”, ông Trần Xuân Tình lý giải.

Với sự việc nêu trên, mong rằng các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương có giải pháp để ổn định tình hình. Đảm bảo hoạt động cho các nhà máy, cũng như giải quyết các khiếu kiện, thắc mắc cho người dân nơi đây…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục