Quảng Nam bàn giải pháp phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện

12:42' - 09/08/2019
BNEWS Ngày 9/8, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện và ổn định đời sống, sản xuất cho người dân tái định cư thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Một công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều hồ thủy điện nhất của cả nước. Tỉnh hiện đã triển khai 25/46 dự án thủy điện theo quy hoạch, nhưng việc khai thác tiềm năng lợi thế của lòng hồ thủy điện để phát triển kinh tế xã hội chưa được chú trọng. Việc nuôi trồng thủy sản ở lòng hồ thủy điện mới chỉ phát triển tự phát, nhỏ lẻ, chưa đa dạng đối tượng nuôi trồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, tỉnh có 6 hồ thủy điện với tổng diện tích mặt nước trên 6.000 ha được phép khai thác, nuôi thủy sản lồng bè trong lòng hồ gồm: A Vương, Sông Côn 2 (huyện Đông Giang), Sông Bung 4 (huyện Nam Giang), Đắk Mi 4 (huyện Phước Sơn), Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) và Khe Diên (huyện Nông Sơn).

Theo quy hoạch đến năm 2030 của tinh Quảng Nam, số lượng lồng cá nuôi trong lòng hồ các thủy điện đạt 2.800 lồng, với sản lượng 3.600 tấn thủy sản. Tuy nhiên, hiện mới có 23 hộ dân đang thả nuôi cá lồng bè thương phẩm ở lòng hồ thủy điện, với tổng số 240 lồng nuôi chủ yếu tập trung ở hồ thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My.

Ngoài ra, tiềm năng về phát triển du lịch ở vùng lòng hồ thủy điện cũng chưa được đầu tư khai thác. Huyện Đông Giang hiện có 7 hồ thủy điện, trong đó 4 lòng hồ có diện tích mặt nước lớn, nhiều đảo nhỏ đẹp có điều kiện để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Hồ Quang Minh, nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát để triển khai các dự án phát triển du lịch, nhưng mực nước trong một số hồ thủy điện thường xuyên thay đổi chênh lệch lớn, khung pháp lý để kêu gọi đầu tư chưa rõ ràng. Đây là những lý do khiến địa phương chưa khai thác được tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ thủy điện.

Tại hội nghị, đa số các ý kiến cho rằng, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi cá lồng bè qua đó hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã tạo ra những vùng nuôi quy mô lớn.

Bên cạnh đó, xây dựng quy chế phối hợp quản lý giữa chính quyền địa phương, các tổ chức nuôi trồng thủy sản, khai thác du lịch với chủ đầu tư nhà máy thủy điện trong việc khai thác lòng hồ. Ngoài ra, tỉnh đa dạng hóa các loại hình du lịch lòng hồ gắn với văn hóa truyền thống bản địa; xây dựng các điểm du lịch lòng hồ tập trung, tránh trùng lắp; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở khu vực miền núi…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, các hồ thủy điện chiếm một diện tích rất lớn ở khu vực miền núi của tỉnh và đang được các doanh nghiệp du lịch khảo sát để đầu tư. Việc khai thác hài hòa, hiệu quả lòng hồ thủy điện sẽ góp phần mở ra không gian sinh kế bền vững, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nhưng, việc khai thác lòng hồ cần phải đảm bảo an toàn hồ đập và có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai các dự án về nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện là 3.163 hộ; trong đó, tổng số hộ dân đã di dời, tái định cư là 1.749 hộ dân. Đời sống của người dân sau tái định cư còn gặp nhiều khó khăn do môi trường tạo sinh kế đã bị thu hẹp.

Thu nhập bình quân đầu người của người dân tái định cư ở các dự án thủy điện đang thấp hơn mức thu nhập bình quân đầu người chung của tỉnh. Vì vậy, việc đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện có ý quan trọng, nhằm góp phần nâng cao đời sống của người dân tái định cư./.

Xem thêm:

>>Nhiều hồ thủy điện vẫn cạn dù hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt nhiều nơi

>>Nghệ An: Nhiều hồ thủy điện khẩn cấp xả nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục