Quảng Nam gỡ bế tắc trong giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn vật liệu

14:40' - 23/05/2024
BNEWS Thiếu mặt bằng, thiếu nguồn cung vật liệu và sợ trách nhiệm của không ít người đứng đầu là nguyên nhân khiến nhiều công trình xây dựng cơ bản tại tỉnh Quảng Nam thi công cầm chừng hoặc dở dang.

Nhiều bất cập trong đền bù, tái định cư, khiến giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn, vướng mắc. Thêm vào đó, tình trạng sợ chịu trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu, thiếu hụt nguồn vật liệu thông thường như đất đắp khiến nhiều công trình, nhất là công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Nam thi công cầm chừng, dở dang, kéo dài, không phát huy được hiệu quả, thậm chí còn lãng phí đầu tư công. Do đó, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo mặt bằng sạch, đảm bảo cung cấp đủ nguồn vật liệu để thi công là những nhiệm vụ trọng tâm đang được tỉnh Quảng Nam nỗ lực thực hiện trên các công trình, nhất là công trình trọng điểm.

 

Năm 2023, huyện Thăng Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ vốn đầu tư công được giải ngân cao nhất tỉnh Quảng Nam. Phát huy kết quả này, ngay từ đầu năm 2024, huyện Thăng Bình đã thành lập 4 tổ công tác, do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng có nhiệm vụ về từng địa phương để phối hợp với các chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy bồi thường, giải phóng mặt bằng một cách thấu tình, đạt lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhờ vậy mặt bằng nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn huyện như đường vành đai ven biển, đường liên kết vùng, quốc lộ 14 E liên tiếp được tháo gỡ những điểm nghẽn để bàn giao cho đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, phương châm xuyên suốt trong quá trình giải phóng mặt bằng là đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, đảm bảo thực hiện đề bù, tái định cư, hỗ trợ sinh kế cho người dân một cách minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

“Điển hình là vào đầu tháng 4 năm nay, sau khi vận động, giải thích, gia đình bà Bùi Thị Nuôi ở thị trấn Hà Lam đã đồng thuận trong việc bàn giao mặt bằng sau nhiều năm cản trở để thi công tuyến giao thông kết nối giữa đường Võ Chí Công (đường vành đai ven biển) với Quốc lộ 1A, mà không phải dùng đến biện pháp cuối cùng là bảo vệ để thi công”, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2024, thị xã Điện Bàn được phân bổ vốn đầu tư công đạt 803 tỷ đồng. Thị xã Điện Bàn đã đề ra nhiều giải pháp khả thi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, ngay từ những tháng đầu năm, thị xã Điện Bàn đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng, giải quyết có hiệu quả những bất cập về sự chênh lệch trong đền bù, thu hồi đất, bố trí tái định cư, hỗ trợ sinh kế để bàn giao mặt bằng sạch, đôn đốc tiến độ thi công đảm bảo đạt khối lượng, thi công đến đâu giải ngân đến đó.

Đồng thời tiếp tục cho đơn vị thi công ứng vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục tiếp theo, góp phần tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng, nhất là các công trình trọng điểm ngay từ những tháng đầu năm. Với cách làm này, trong 4 tháng đầu năm nay, thị xã Điện Bàn đã giải ngân được 157 tỷ đồng cho các công trình có khối lượng và các công trình trọng điểm. Thị xã Điện Bàn kỳ vọng sẽ giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được phân bổ trong năm nay.

Là địa phương có nhiều công trình quy mô lớn song nhiều công trình phải dừng thi công, thi công dở dang và cầm chừng, ông Trương Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, khó khăn lớn nhất của huyện trong đền bù, giải phóng mặt bằng là sự chênh lệch quá lớn giữa giá trị đất thu hồi ở vùng nông thôn và giá trị đất được bố trí tái định cư tại các vùng ven, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung, khiến người dân gặp khó khăn trong việc xây dựng lại nhà ở. Mặt khác, tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu thông thường cũng là nguyên nhân chính khiến việc thi công công trình trọng điểm không như mong đợi, trong khi thủ tục để đưa mỏ vật liệu vào khai thác thường qua nhiều cửa và tốn nhiều thời gian.

Để tiêu thụ nguồn vốn hơn 7.000 tỷ đồng trong năm 2024, khâu quan trọng hàng đầu là mặt bằng sạch và sớm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật liệu thông thường. Tại buổi làm việc với các chủ đầu tư và huyện Núi Thành vào ngày 22/5 vừa qua, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu phải sớm gỡ bỏ những thủ tục chồng chéo, những bất cập trong đền bù, tái định cư và hỗ trợ sinh kế, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, đảm bảo mặt bằng sạch và nguồn vật liệu để thi công.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, đã yêu cầu đồng chí lãnh đao UBND tỉnh tăng cường kiểm tra thực tế việc thiếu vật liệu thông thường. Hiện nay nhiều công trình, trong đó có các công trình trọng điểm thi công cầm chừng, chậm tiến độ, vì thiếu vật liệu đất đắp. Không có vật liệu tại chỗ nên các đơn vị thi công phải vào tận Quảng Ngãi để mua, điều này vừa đi xa, vừa đắt, vừa có khối lượng không đáng kể. Quy hoạch của tỉnh Quảng Nam có 640 mỏ vật liệu nhưng đến nay mới được cấp phép khai thác chưa tới 70 mỏ. Vì vậy phải sớm đưa các mỏ vật liệu vào khai thác, không để thiếu vật liệu như hiện nay.

“Muốn công trình thi công đạt yêu cầu thì phải có nhiều giải pháp. Song giải pháp quan trọng là phải đảm bảo nguồn cung vật liệu thông thường. Sắp tới đây, Tỉnh ủy sẽ xem xét và điều động một số cán bộ cấp sở có chuyên môn sâu về tăng cường cho các địa phương trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật để đưa các mỏ vật liệu đã quy hoạch vào khai thác, khắc phục triệt để tình trạng thiếu vật liệu xây dựng thông thường như hiện nay. Trong đền bù, giải phóng mặt bằng, phải đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, đảm bảo minh bạch, đúng quy định của pháp luật thì người dân sẽ đồng tình ủng hộ”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết quán triệt.

Thiếu mặt bằng, thiếu nguồn cung vật liệu thông thường và sợ trách nhiệm của không ít người đứng đầu là những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thi công cầm chừng hoặc dở dang. Tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường cán bộ có chuyên môn sâu để về giúp các địa phương trong giải phóng mặt bằng, thủ tục khai thác mỏ vật liệu thông thường. Đây được xem là những động thái mới nhất, quyết liệt nhất để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục