Bảo đảm vật liệu san lấp cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam

21:16' - 16/05/2024
BNEWS Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về kết quả khảo sát, làm việc với các Bộ, địa phương về bảo đảm vật liệu san lấp cho dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Thông báo số 225/TB-VPCP ngày 16/5/2024 nêu: Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, của vùng. Đối với việc đảm bảo nguồn cung vật liệu san lấp, Quốc hội, Chính phủ đã có các cơ chế, chính sách đặc thù; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục.

 

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra, có nơi còn thiếu sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp kịp thời của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân, còn tình trạng chậm giải quyết các thủ tục giao, cấp và khai thác mỏ vật liệu…

Bên cạnh đó, chưa có kế hoạch phù hợp để xác định chính xác nhu cầu khối lượng vật liệu san lấp theo tiến độ yêu cầu của từng dự án phù hợp với công suất khai thác của các mỏ dẫn đến chưa bảo đảm đủ vật liệu san lấp, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Tài nguyên khoáng sản (các mỏ vật liệu) là của quốc gia, được phân cấp cho các địa phương trực tiếp quản lý.

Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng phải xác định rõ trách nhiệm chính trị trong việc bảo đảm cung cấp vật liệu san lấp để hoàn thành đúng tiến độ các tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển của vùng và kết nối liên vùng.

Đảm bảo vật liệu san lấp là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Việc hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng để đưa vào sử dụng các tuyến giao thông kết nối liên vùng là nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao và là nguyện vọng của Nhân dân. Đảm bảo vật liệu san lấp là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tiến độ của các dự án, yêu cầu các Bộ, ngành theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để tình trạng thiếu vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương: Lập phương án tổng thể nhu cầu về vật liệu san lấp cho các dự án theo tiến độ cụ thể; đánh giá kỹ lưỡng khả năng cung ứng của cát sông:

(i) từ các mỏ hiện hữu đang khai thác, khả năng nâng công suất;

(ii) từ mở các mỏ mới:

(iii) từ việc tận dụng cát từ hoạt động nạo vét (lòng hồ, chỉnh trị, tạo dòng chảy lòng sông); trong đó phải tính đúng, tính đủ, đánh giá chính xác khả năng khai thác thực tế, không tính toán theo trữ lượng.

Trên cơ sở đó, đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông với các giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm giải quyết của từng tập thể, cá nhân (ở trung ương, địa phương); hoàn thành trong tháng 5/2024, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công…) cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Nghị định thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động nạo vét lòng hồ, chỉnh trị, tạo dòng chảy lòng sông kết hợp tận thu cát để làm vật liệu san lấp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành thủ tục giao biển trước ngày 20/5/2024 theo đúng quy định của pháp luật để Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác làm vật liệu san lấp theo cơ chế đặc thù, bảo đảm hoạt động khai thác được thực hiện trong tháng 5/2024.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập Báo cáo về cát san lấp và cát biển, trong đó báo cáo rõ:

(i) Trữ lượng các mỏ có thể khai thác (đối với mỏ đang khai thác, việc nâng công suất, mỏ mở mới…);

(ii) khả năng khai thác khả dụng của từng mỏ cho từng dự án;

(iii) vướng mắc (nếu có) và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong giải quyết vướng mắc, thời hạn giải quyết xong vướng mắc ( theo nguyên tắc thủ tục ở cấp nào người đứng đầu ở cấp đó phải chịu trách nhiệm và phải chủ động giải quyết); trên cơ sở phương án tổng thể nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án giao thông khu vực phía Nam, chủ trì lập phương án và điều phối nguồn vật liệu cho từng dự án, đáp ứng tiến độ thi công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024.

Không để xảy ra thất thoát tài nguyên khoáng sản

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ triển khai Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; khẩn trương phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre và các địa phương có liên quan để giải quyết các thủ tục khai thác, giao mỏ cát làm vật liệu san lấp theo cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng đối với dự án này, hoàn thành trước ngày 15/6/2024.

Chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án, nhà thầu khẩn trương tính toán, đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển với Bộ Giao thông vận tải và với Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng trước ngày 20/5/2024; chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý hoạt động khai thác, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát tài nguyên khoáng sản hoặc sử dụng cát biển không đúng mục đích.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ… hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan trong quá trình khai thác cát biển; chủ động giải quyết theo thẩm quyền đối với những vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động khai thác cát biển theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau… khẩn trương thực hiện giao mỏ khoáng sản cho nhà thầu khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường (cát sông) theo cơ chế đặc thù để phục vụ các công trình, dự án giao thông trọng điểm; thực hiện nâng công suất khai thác theo đúng quy định của pháp luật và các cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng, nhằm bảo đảm yêu cầu cung cấp cát san lấp cho các dự án, gắn với việc quan trắc để theo dõi tác động của hoạt động khai thác đến dòng chảy và sạt lở bờ sông.

Không để hoạt động khai thác cát sông làm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Nam khẩn trương chuẩn bị phương án, thủ tục liên quan để có thể thực hiện ngay khi được cấp có thẩm quyền phân cấp giải quyết đối với hoạt động nạo vét luồng lạch bảo đảm giao thông đường thủy an toàn (bao gồm cả nạo vét, khai thác cồn cát, bãi bồi đang làm cản trở dòng chảy trên các sông, nằm ở vị trí không ảnh hưởng đến dân cư, công trình hạ tầng), đồng thời bổ sung nguồn vật liệu cho san lấp cho các dự án giao thông.

Cung cấp thông tin đầy đủ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời chăm lo cho người dân khu vực khai thác mỏ khoáng sản, đặc biệt là các gia đình chính sách; bảo đảm công khai, minh bạch và cùng Nhân dân giám sát thực hiện, không để hoạt động khai thác cát sông làm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục