Quảng Ngãi và Quảng Nam khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

14:24' - 17/12/2016
BNEWS Để khắc phục những thiệt hại do hậu quả của mưa lũ trên diện rộng trong thời gian qua, Quảng Ngãi và Quảng Nam đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp.

Quảng Ngãi di dời, sơ tán xen ghép 4.530 hộ dân vùng bị ngập sâu, sạt lở núi đến nơi an toàn

Theo Báo cáo nhanh số 5 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 10h ngày 17/12, mưa lũ đã làm 54 xã, phường của 7 huyện, thành phố gồm Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi ngập sâu trong nước từ 1-1,5m với số nhà bị ngập ước tính khoảng 17.555 nhà.

Quảng Ngãi: Người dân phải di chuyển bằng ghe máy ra khỏi vùng bị nước lũ bao vây cô lập tại xã Hành Thiện. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành di dời, sơ tán xen ghép 4.530 hộ dân nằm trong vùng bị ngập sâu, sạt lở núi đến nơi an toàn (thành phố Quảng Ngãi 61 hộ, Nghĩa Hành 2.976 hộ, Đức Phổ 135 hộ, Mộ Đức 700 hộ, Tư Nghĩa 350 hộ, Sơn Hà 50 hộ, Sơn Tịnh 258 hộ).

Mưa lũ làm 5 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn (Đức Phổ 1, Sơn Tịnh 1, Ba Tơ 2, Minh Long 1); làm 3 ngôi nhà bị hư hỏng nặng và 12 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; hơn 25,8 ha diện tích lúa bị thiệt hại, 367ha hoa màu và rau màu bị ngập úng; hơn 89 ha diện tích đất canh tác bị sa bồi thủy phá; trên 10.000m mét bờ sông, bờ suối bị sạt lở. Cùng với đó, mưa lũ gây sạt lở, chia cắt 15 tuyến đường với khối lượng sạt lở 9.800m3, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long; làm 2 cầu dân sinh bị hư hỏng…

Lũ trên các sông trong tỉnh đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Mực nước trên sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ là 3,40m, dưới mức báo động 3 0,10m; sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc 5,44m, trên mức báo động 3 0,44m; sông Trà Câu tại trạm Trà Câu 5,75m, trên mức báo động 3 0,25m; sông Vệ tại trạm sông Vệ là 4,50m, trên mức báo động 3 0,45m.

Dự báo lũ sẽ tiếp tục xuống chậm trong những giờ tới. Hiện các hồ chứa nước, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh đã tích đầy nước buộc phải xả tràn để điều tiết với tổng lưu lượng xả tràn dao động từ 29,8 đến 347,65 m 3 /s. Các địa phương cũng đang tích cực triển khai phương án khắc phục hậu quả do lũ gây ra, hỗ trợ cấp phát tạm thời nhu yếu phẩm cần thiết giúp người dân yên tâm chống chọi với lũ; và chủ động đề phòng trước nguy cơ nước có thể lên trở lại.

Quảng Nam đề nghị hỗ trợ 28 tỷ đồng

Quảng Nam: Mưa lớn làm ngập lụt ở phường Phước Hòa, thành phố Tam Kỳ. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Trong ngày 17/12, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lượng mưa bắt đầu giảm, nước lũ tại các sông đang xuống chậm. Cụ thể, sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,4m, trên báo động 2 là 0,42m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy 7,67m, trên báo động 2 là 0,17m, tại Câu Lâu là 4,06m, trên báo động 3 là 0,06m, tại Hội An là 2,36m, trên báo động 3 là 0,36m. Hàng chục ngôi nhà của người dân ở các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Hội An, Nông Sơn, Đông Giang vẫn đang bị ngập trong nước lũ. Chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp hơn 50 nhà dân ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên), xã Quế Xuân và Quế Phú (huyện Quế Sơn) ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Nông Sơn là địa phương vẫn đang bị cô lập do nước lũ. Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Phạm Phú Thủy cho biết, lượng mưa trên địa bàn huyện đã giảm trong ngày 16/12 và sáng nay, nước lũ đang xuống nhưng rút rất chậm. Tuyến đường ĐT 611 đi lên trung tâm huyện vẫn bị ngập sâu, với chiều dài khoảng 300m, huyện đã cấm tất cả phương tiện ghe thuyền của người dân qua lại trên tuyến đường ĐT 611 để tránh nguy hiểm.

Mưa lớn nhiều ngày cũng làm nhiều đoạn đường trên khu vực đèo Le nối huyện Quế Sơn với huyện Nông Sơn bị xói lở, huyện Nông Sơn đã khẩn trương gia cố, giăng dây cảnh báo để đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông khi qua lại. Mặc dù bị chia cắt trong nhiều ngày nhưng với tinh thần chỉ đạo “4 tại chỗ”, các xã trên địa bàn huyện Nông Sơn vẫn đảm bảo đủ lương thực, các nhu yếu phẩm khác cho người dân, không để hộ dân nào bị đói. Các địa phương trong huyện cũng đang cập nhật thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra để kịp thời có sự hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống ngay khi lũ rút.

Tại huyện Đại Lộc, khu vực Ba Khe đi vào xã Đại Lãnh vẫn bị ngập sâu tới hơn 1,5m. Khoảng 300 ngôi nhà của người dân ở các xã Đại Cường, Đại Thạnh, Đại Phong của huyện Đại Lộc hiện vẫn bị ngập trong nước lũ. Đối với các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh Quảng Nam như 14B, 14D, 14E, đường Hồ Chí Minh có khoảng có khoảng 190m đường bị sạt lở, hư hỏng, 34.000 m3 đất xói lở, bồi lấp mặt đường gây ách tắc giao thông. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương, các đơn vị quản lý bảo trì quốc lộ, tỉnh lộ huy động phương tiện, nhân lực để sớm khắc phục các điểm sạt lở, bồi lấp cũng như lập rào chắn tại những khu vực nguy hiểm.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 17/12 mưa lũ trên diện rộng đã làm nhiều người bị chết, thiệt hại hơn 530 ha lúa, 3.770 ha hoa màu, 11 ha rừng keo nguyên liệu cũng như làm chết hàng chục con trâu, bò, lợn của người dân…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục