Quảng Ngãi xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

16:28' - 21/05/2021
BNEWS Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 96/KH- UBND đề ra nhóm giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2021 -2025 để triển khai thực hiện quyết liệt.

Cụ thể, tỉnh sẽ tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong cộng đồng.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung còn tồn tại, bất cập để đề xuất cấp thẩm quyền hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; bảo đảm sự thống nhất, phù hợp, khắc phục chồng chéo, xung đột… ;

Thực hiện lồng ghép các nội dung về phòng, chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, ngành; đặt yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở vị trí quan trọng trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm địa phương và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Huyện Bình Sơn là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt bão, lũ. Trước thực tế trên, lãnh đạo huyện đã thẳng thắn bàn bạc, đi sâu vào vấn đề, nhìn nhận, đánh giá tổng thể nguyên nhân, mặt hạn chế còn tồn tại trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Qua đó, đã xác định được đâu là “nút thắt” cần phải tháo gỡ.

Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn thừa nhận, công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình dân cư, dân sinh và nhà ở, các công trình sơ tán dân, lực lượng, phương tiện, trang thiết bị còn thiếu cụ thể, chi tiết; hình thức thông tin tuyên truyền, cảnh báo có lúc chưa kịp thời; công tác báo cáo tình hình thiệt hại và xác nhận thiệt hại do thiên tai gây ra tại một số địa phương còn chậm dẫn đến công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiếu kịp thời…

Trong sáng kiến kinh nghiệm của mình, ông Khiêm đề xuất giải pháp rằng, phải đặt lên trên hết phương châm “Phòng tránh là chính, tự cứu mình là chính” để chủ động phòng, chống thiên tai một cách có hiệu quả. Phải lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương; công khai phương án, kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết để an tâm tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất.

“Chúng tôi tận dụng triệt để công nghệ thông tin, nhất là việc kết nối các nhóm Zalo trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Phương án này thật sự đem lại hiệu quả khả quan khi góp phần giúp công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo bão, lũ chính xác, kịp thời”- ông Khiêm chia sẻ.

Ngoài ra, công tác nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai kịp thời cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Nhất là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học sát với thực tế, triển khai sâu rộng công nghệ tiên tiến trong theo dõi, cảnh báo thiên tai, giám sát trực tuyến… phục vụ nâng cao năng lực tham mưu, điều hành ứng phó thiên tai mang tính chuyên nghiệp.

Không những thế, tỉnh còn đa dạng hóa việc huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền; bố trí nguồn chi ngân sách thích đáng, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai như bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn;

Ưu tiên bố trí ngân sách hằng năm để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, củng cố đê điều, kênh mương, hồ chứa thủy lợi, công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển ở các khu vực trọng yếu; khẩn cấp di dời dân cư khu vực thiên tai gắn với sinh kế bền vững…

Ông Võ Quốc Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho hay, việc nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới cũng là một giải pháp tối ưu mà chúng tôi hướng đến.

Đồng thời, xác định phát triển khoa học công nghệ là giải pháp then chốt và hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong đó, ưu tiên nghiên cứu, sản xuất, trang bị công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai; ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa, vật liệu mới trong quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành; duy trì, phát triển ứng dụng các mô hình toán, phần mềm ứng dụng trong dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro lũ lụt trên các lưu vực sông…”

Trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao nhận thức và năng lực phòng, chống thiên tai cho chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư ở khu vực có rủi ro thiên tai cao. Đáng chú ý là dự án Giảm nhẹ thiên tai Quảng Ngãi do Chính phủ Úc tài trợ; dự án an toàn hồ đập do Chính phủ Nhật Bản tài trợ;

Dự án Quản lý thiên tai do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ và các chương trình, dự án được tài trợ bởi các tổ chức như UNDP, PLAN, Malteser International, Save the Children, Hội chữ thập đỏ Mỹ, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương - Hoa Kỳ , Qũy hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung… cùng hàng trăm tỷ đồng do Trung ương, tỉnh phân bổ, hỗ trợ nên đã góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục