Quảng Ninh lành mạnh hóa môi trường đầu tư

12:47' - 20/10/2017
BNEWS Tỉnh Quảng Ninh xác định hỗ trợ và gỡ khó cho doanh nghiệp chính là cách làm hiệu quả nhất để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tỉnh Quảng Ninh xác định hỗ trợ và gỡ khó cho doanh nghiệp là cách làm hiệu quả nhất để cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Một loạt các hoạt động như mở “cafe doanh nhân”, xây dựng bộ công cụ khảo sát mạng xã hội qua trang fanpage, lập các đường dây nóng của tất cả các sở - ban - ngành, mở các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp theo quý, tháng… là những động thái tích cực của tỉnh Quảng Ninh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh xác định, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là cách làm hiệu quả nhất để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

* Đa dạng mô hình hỗ trợ

Năm 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên có sáng kiến triển khai Bộ công cụ khảo sát mạng xã hội, xây dựng trang fanpage để có thêm kênh thông tin nắm bắt các phản hồi của doanh nghiệp về thủ tục hành chính liên quan đến các tổ chức kinh tế.

Ông Trần Như Long, Phó Trưởng ban thường trực Ban Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh cho biết, giải pháp mới này được các chuyên gia dự án PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao. Hiện nay, tỉnh có 17 đơn vị, sở ngành tham gia Bộ công cụ khảo sát mạng xã hội đã vào cuộc và thường kỳ họp trực tuyến qua facebook, skype trưa thứ sáu hàng tuần để cùng vận hành và trao đổi nâng cao hiệu quả của trang fanpage DDCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương) Quảng Ninh.

Tiếp thu các ý kiến từ các doanh nghiệp trên mạng xã hội, Quảng Ninh có thêm nhiều thông tin trong việc phân tích, đánh giá tình hình và xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Bên cạnh đó, một mô hình đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nhân, doanh nghiệp là “Cafe doanh nhân” được thực hiện từ năm 2016 đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tháng 8/2017, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã khai trương địa điểm mới “cafe doanh nhân” để có không gian chuyên nghiệp hơn, thân thiện hơn thiết thực tạo nên một diễn đàn để doanh nghiệp và chính quyền cùng chia sẻ những vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thủ tục hành chính một cách cởi mở và chân thành.

Sau ngày khai trương địa điểm mới cafe doanh nhân, Sở Khoa học – Công nghệ và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức chương trình “Cafe công nghệ” với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp trên địa bàn. Chương trình này đã giải đáp các thắc mắc trong việc tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp… Tiếp đó, các sở ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn miễn phí thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp.

Theo báo cáo của Ban Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh, đến nay các sở, ngành và địa phương đều đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ phía người dân, doanh nghiệp và các tổ chức để kịp thời xử lý công việc nhanh hơn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả Phạm Văn Kính cho hay, không chỉ định kỳ lãnh đạo thành phố tiếp xúc, gặp mặt các doanh nghiệp mà khi tiếp nhận được thông tin từ các đường dây nóng, mạng xã hội, lãnh đạo UBND thành phố đã kịp thời xuống cơ sở gặp và trực tiếp có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Kính lấy ví dụ, dự án mở rộng kho xăng dầu của Công ty Bình Minh ở phường Mông Dương (thành phố Cẩm Phả), sau khi tiếp nhận vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố đã xuống tận nơi gặp gỡ người dân và thông tin mọi cơ chế chính sách, chủ trương của nhà nước nên dự án được khơi thông, triển khai thuận lợi.

Trong 9 tháng năm 2017, Quảng Ninh đã tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc trên 500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn; 29 cơ quan tổ chức gặp mặt đối thoại doanh nghiệp; 13/14 địa phương đã chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức 37 hội nghị tại các địa phương, tiếp xúc trên 1.400 doanh nghiệp và trả lời gần 200 đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền.

* Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Từ cuối năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long chỉ đạo yêu cầu các địa phương, ngành chức năng thực hiện nghiêm túc việc xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng tại các trung tâm hành chính công các cấp; quan tâm rà soát, cắt giảm trên 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định.

Nhờ cải cách thủ tục hành chính hiệu quả nên Quảng Ninh đã có 6/9 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đó là, chỉ số cải thiện thứ hạng khởi sự kinh doanh; thành lập doanh nghiệp thời gian 2 ngày, ít hơn 1 ngày so với quy định; chỉ số đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội; chỉ số đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; chỉ số đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và cải thiện thứ hạng tiếp cận điện năng; chỉ số nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng dưới 90 ngày (theo Nghị quyết 19-2017/NQ-CP là tối đa 300 ngày).

Ông Bùi Đức Long, Giám đốc Công ty TNHH Hương Hải (thành phố Hạ Long) ngỡ ngàng, thay vì mất cả tháng chạy đi chạy lại, ông Long chỉ mất 7 ngày để hoàn tất thủ tục đăng ký cấp phép hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long liên quan đến nhiều sở, ngành. Vì rút ngắn được thời gian đăng ký thủ tục cấp phép hoạt động nên con tàu du lịch 5 sao của Công ty TNHH Hương Hải đã kịp đón đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên là công chúa và hoàng tử đất nước Liban tham quan vịnh Hạ Long. Nhờ đó, uy tín công ty nâng cao và việc kinh doanh đạt hiệu quả.

Môi trường đầu tư Quảng Ninh trở nên lành mạnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với địa phương này. Hiện nay, ba tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam như: Vingroup, Sungroup và FLC đã có mặt ở Quảng Ninh với nhiều dự án trọng điểm. Gần đây, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước như: Tập đoàn Toray và Tập đoàn Sozitaz (Nhật Bản), Công ty Serra Sunger ve Petrol Urunleri San.Tic.A.S (Thổ Nhĩ Kỳ), Công ty TNHH VINA - CPK (Anh Quốc), Tập đoàn Vinci Group (Pháp), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn C.E.O (Việt Nam)… đã có bước nghiên cứu tìm hiểu đầu tư ở Quảng Ninh.

Nhờ những nỗ lực trên, trong 9 tháng năm 2017, Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 48 dự án có vốn đầu tư cả trong và ngoài nước với tổng mức đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm gần 18.530 tỷ đồng, bằng 69,5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn có 86 hồ sơ liên quan đến thủ tục chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch và hồ sơ dự án liên quan đến chủ trương đầu tư.

Tốc độ phát triển doanh nghiệp 9 tháng trên địa bàn tiếp tục tăng, có 1.720 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 7.050 tỷ đồng, tăng 46% về số doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký trong tỉnh là 14.476 đơn vị, với tổng số vốn là 145.485 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục