Quảng Ninh thu hút FDI vượt ngưỡng 3 tỷ USD

12:36' - 02/11/2023
BNEWS Từ đầu năm đến ngày 31/10, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút vào địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đạt 3,103 tỷ USD.

Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, ông Hoàng Trung Kiên cho biết, từ đầu năm đến ngày 31/10, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút vào địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đạt 3,103 tỷ USD, tương đương trên 72.910 tỷ đồng, đạt 258,57% chỉ tiêu thu hút vốn FDI được UBND tỉnh giao.

 

Trong 10 tháng, tỉnh Quảng Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 24 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 01 dự án. Riêng tháng 10, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 34.657 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD). Sự kiện này không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng khi giúp Quảng Ninh thu hút được vượt ngưỡng 3 tỷ USD vốn FDI, mà còn vượt qua các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh... để đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong 10 tháng năm 2023.

Trong tháng 10, dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Jinko 1) đã chính thức được khởi động, đi vào vận hành sản xuất. Dự án Jinko 1 kết hợp với Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam (Jinko 2) hoạt động từ tháng 1/2022 đã hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn Quảng Ninh. Khi đi vào hoạt động 100% công suất, dự án sẽ tạo ra doanh thu ước đạt hơn 100.000 tỷ đồng (tương đương 4,37 tỷ USD); xuất khẩu 100% sản phẩm sang thị trường châu Âu và Mỹ. Sau thời gian được hưởng ưu đãi, dự án sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng/năm (tương đương 62 triệu USD/năm) qua thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho khoảng 4.500 lao động với mức lương trung bình khoảng 13 triệu đồng/người/tháng.

Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến "an toàn, tin cậy, hấp dẫn" đối với các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới.

Quảng Ninh đã quyết liệt cải cách thực chất các thủ tục hành cách trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan; kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ những quy định của pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Tỉnh đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý, đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh; khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút các dự án FDI chất lượng.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp và làm việc với hơn 100 lượt đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và mở rộng quy mô. Trong số đó, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiêu biểu như: BP (Anh), JTA (Quatar), Jinko Solar, TCL (Hồng Kông-Trung Quốc), Lite-On Technology, Tera, Neotek (Đài Loan-Trung Quốc), Mitsubishi, Yaskawa Electric, Tamagawa Seiki, Sojitz (Nhật Bản), Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương Trung Quốc, Công ty TNHH Kỹ thuật Đường cao tốc số 1 Trung Quốc (CFHEC)…

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh đã tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư chủ động tại một số nhà đầu tư FDI lớn đến từ các thị trường tiêu biểu, như: Samsung Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), VSIP (Singapore), Unilever Việt Nam (Anh Quốc), Công ty TNHH GreatStar Industrial Việt Nam, Công ty TNHH Deli Việt Nam (Trung Quốc).

Quảng Ninh xác định chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên dự án có công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tập trung ưu tiên phát triển các khu công nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành, công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi sản xuất - liên kết, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục