Quảng Ninh thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ cơ khí, ô tô và đường sắt

17:37' - 26/03/2025
BNEWS Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cam kết sẽ đồng hành, kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cơ chế, chính sách ổn định, hạ tầng đồng bộ, hiện đại... nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững.

Ngày 26/3, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam”.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Quảng Ninh đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia gắn với triển khai chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh.

Dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển cần cải cách thể chế theo hướng ngày càng thuận lợi, quyết liệt tháo gỡ về thể chế, có đột phá về cơ chế chính sách để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, có cơ chế chính sách mới về đất đai, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp….

Cùng đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn trong nước tham gia dự án lớn, dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bằng việc xây dựng chuỗi cung ứng, hệ sinh thái doanh nghiệp; không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách vượt trổi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các chương trình về phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí cần có sản phẩm cụ thể, xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, bền vững...

 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng chia sẻ, những năm qua, Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế. Giai đoạn 2021 - 2024, tốc độ tăng bình quân của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt trên 21%, tổng nguồn vốn đầu tư vào ngành đạt trên 8,6 tỷ USD. Đặc biệt, Khu công nghiệp Việt Hưng – thành phố Hạ Long đang được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm trong thời gian tới.

Hiện nay, Trung ương đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang báo cáo Trung ương khởi động lại Dự án đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, hoàn thành trước năm 2030; đồng thời đẩy sớm lộ trình đầu tư đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái trước năm 2030.

Những dự án này không chỉ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ mà còn mở ra cơ hội, triển vọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành đường sắt, thúc đẩy sản xuất linh kiện, thiết bị đầu máy, toa xe, hệ thống điện, ray, cảm biến điều khiển… ngay tại địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, năng lực sản xuất, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh nhanh, bền vững.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Công nghiệp hỗ trợ, nhất là lĩnh vực cơ khí, chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển bền vững. Bởi nó không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu cho nhiều ngành công nghiệp khác, giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài mà còn tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Do vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tham gia vào quá trình hình thành phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam càng trở lên cấp thiết đối với nền kinh tế quốc dân và những địa phương có tiềm năng, lợi thế như Quảng Ninh.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành địa phương đã chỉ đạo xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi như: tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, công nghiệp đường sắt trong nước và đã đạt được một số thành tựu quan trọng.

Song ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, đường sắt của Việt Nam nói riêng còn nhiều hạn chế so với một số nước trong khu vực và thế giới, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tỷ lệ nội địa hoá trong công nghiệp ô tô và đường sắt còn thấp; chủ yếu vẫn là linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, linh kiện.

Công nghiệp đường sắt chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa phục vụ cho đường sắt hiện hữu với công nghệ cũ. Hầu hết các thiết bị, đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển các dự án đường sắt mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo quy hoạch mạng lưới đường sắt trong tương lai.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ - Bộ Công Thương chia sẻ, mặc dù thời gian qua có nhiều doanh nghiệp cơ khí đã đẩy mạnh đầu tư chuyển giao công nghệ song các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, doanh nghiệp trong nước có chất lượng thấp, độ chính xác thấp, giá thành sản xuất cao; thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm quôc tế và đóng vai trò dẫn dắt thấp. Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trong nước đều đang đối mặt với những thách thức không nhỏ về vốn, công nghệ, nhân lực, sự liên kết trong chuỗi cung ứng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến giá trị, mở ra những tư duy mới, tầm nhìn mới, hiểu biết mới về xu hướng, giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí, sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cam kết sẽ đồng hành, kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cơ chế, chính sách ổn định, hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục