Quảng Ninh với cách giải quyết việc thiếu vật liệu san lấp

09:46' - 09/12/2022
BNEWS Việc tận dụng đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp được các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV quan tâm hơn bao giờ hết tại kỳ họp lần thứ 12 (diễn ra từ ngày 7 - 9/12).

Thay vì khai thác các mỏ sét làm vật liệu san lấp, thì nay Quảng Ninh có nguồn vật liệu lớn đất đá thải mỏ thay thế. Đây là một việc làm vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh đã nêu vấn đề đánh giá tác động với môi trường và hiệu quả sử dụng nguồn vật liệu san lấp này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

* Nhu cầu cấp bách, lợi cả đôi đường

Hàng năm, các mỏ than Quảng Ninh đưa ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, trên tổng diện tích bãi thải khoảng 4.000 ha. Đến thời điểm này, phần lớn các bãi thải đạt cốt cao 200 – 300 m, trữ lượng huy động khoảng 1,2 tỷ m3. Việc phát sinh khối lượng đất đát thải lớn hàng năm dẫn đến áp lực về diện tích đổ thải, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác đổ thải sẽ kéo theo chi phí kinh tế để thiết kế, xây dựng bãi thải; cải tạo, phục hồi môi trường và kinh phí để thực hiện các đề án di dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở bãi thải.

Trong khi đó, trước nhu cầu khối lượng vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh tăng cao trong những năm gần đây. Theo tính toán, nhu cầu khối lượng vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn đến năm 2025 là 595 triệu m3 (trung bình mỗi năm khoảng 150 triệu m3/năm), giai đoạn 2026-2030 là 510 triệu m3 (trung bình khoảng 100 triệu m3/năm).

Do vậy, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp vừa đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt vật liệu san lấp mặt bằng, tiết kiệm được kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường, vừa giải quyết được các vấn đề về diện tích đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn; phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 về định hướng chiến lượng địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực tế, trước khi Luật Khoáng sản có hiệu lực (2019), tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, điển hình như khu trung tâm thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả cơ bản đều dùng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng, đến hiện tại vẫn đảm bảo chất lượng, ổn định nền các dự án, công trình xây dựng bên trên, chưa có dấu hiệu xuống cấp.

Từ năm 2019 đến nay, thực hiện Luật Khoáng sản, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết một số cơ chế, chính sách cấp phép cho việc sử dụng đất đá thải mỏ cho từng trường hợp cụ thể.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Trần Như Long cho hay, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp được Bộ đồng ý cho khai thác thu hồi, với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu tấn, đang được khai thác sử dụng hiệu quả phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn. Đó là các bãi thải: vỉa 14 cánh Tây của Công ty cổ phần than Núi Béo và bãi thải Suối Lại thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; bãi thải Khe Sim – Tây Lộ Trí và bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc).

Việc đưa vào khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ tại 4 bãi thải trên đã bước đầu giải quyết được nhu cầu về vật liệu san lấp của một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: dự án cầu Cửa Lục 3 (bãi thải Suối Lại); dự án khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long II (bãi thải Tây Khe Sim- Tây Lộ Trí); dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (bãi thải Nam Tràng Bạch).

Giám đốc Công ty Chế biến than Quảng Ninh (đơn vị được giao khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ Suối Lại) Ngô Xuân Trường cho hay, công ty đã ký kết hợp đồng kinh tế cung cấp đất, đá thải cho các dự án: Cầu Cửa Lục 3, Khu đô thị ngành Than và tiếp tục thương thảo để ký kết với các chủ dự án, nhà thầu của các dự án xác lập trong phương án đã được phê duyệt.

Ông Trường nhấn mạnh, việc sử dụng đất đá thải mỏ sẽ góp phần giảm độ cao, diện tích chiếm dụng đất của các bãi thải; đồng thời giảm khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường; phù hợp với mô hình chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh của tỉnh Quảng Ninh, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng thu ngân sách.

Sau khi kết thúc thu hồi đất đá của các bãi thải sẽ tạo thêm quỹ đất sạch để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp…, có thể triển khai các dự án nhà ở "Làng công nhân" cho người lao động theo mô hình truyền thống ngành than của tỉnh Quảng Ninh.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh Trần Như Long, các giáo sư, chuyên gia hàng đầu Việt Nam và quốc tế đã nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng khả năng sử đụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đều thống nhất khuyến khích Quảng Ninh ưu tiên sử dụng loại vật liệu này để thay thế vật liệu san lấp truyền thống.

Các khu vực khai thác đất đá thải mỏ được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đều yêu cầu phải xây dựng phương án và giải pháp kỹ thuật trong khai thác, vận chuyển và sử dụng, đồng thời ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa đơn vị có liên quan để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Vật liệu đất đá thải mỏ trước khi đưa ra sử dụng đều được lấy mẫu, phân tích thành phần cơ lý hóa bởi các cơ quan kiểm định độc lập. Các kết quả phân tích mẫu đất đá thải hiện nay do Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam thực hiện cho thấy đất đá thải tại các bãi thải hiện đang sử dụng đều đảm bảo đủ điều kiện làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng thông thường.

Đặc biệt, thực tiễn, kết quả kiểm soát môi trường trong thời gian qua cho thấy, đã không làm gia tăng yếu tố gây ô nhiễm môi trường cho các dự án có sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp, ông Long khẳng định.

* Giải pháp bền vững

Trong thời gian tới, dựa trên nhu cầu thực tiễn và đề xuất của các đơn vị ngành than, tỉnh Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh triển khai nội dung trên, đồng thời đã rà soát, xác định 32 vị trí các bãi thải mỏ có thể khai thác, thu hồi đất đá làm vật liệu san lấp với trữ lượng gần 1 tỷ m3.

Từ thực tiễn kinh nghiệm trong việc triển khai tận thu đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp ở 4 bãi thải đầu tiên trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Như Long cho rằng, để nâng cao hiệu quả, sử dụng bền vững đất đá thải mỏ cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả và sự phù hợp của việc thực hiện chủ trương, chính sách tăng cường sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp trong bối cảnh hiện nay.

Điều này vừa giải quyết được vấn đề khó khăn trong nguồn vật liệu san lấp, hạn chế khai thác đất đồi, hạn chế phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Đồng thời, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương với ngành than và Tổng công ty Đông Bắc để đẩy nhanh tiến độ tham mưu, giải quyết thủ tục khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ đúng quy định, từng bước thay thế cho vật liệu san lấp truyền thống; tăng cường giám sát việc khai thác, vận chuyển và sử dụng, đảm bảo tránh thất thoát tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng đúng mục đích.

Ông Long cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện quy trình thủ tục cấp phép khai thác các khu vực bãi thải mỏ, trọng tâm là tăng cường phân cấp và sửa đổi một số nội dung trong Luật khoáng sản để giảm thiểu các thủ tục hành chính, thời gian cấp phép khai thác các bãi thải mỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục