Quảng Ninh với hành trình xây dựng thương hiệu năng lực cạnh tranh

16:03' - 09/06/2022
BNEWS Tất cả các ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp đều được tỉnh và các sở, ngành chức năng, các địa phương tinh Quảng Ninh trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản một cách rõ ràng, thoả đáng.

Để xây dựng và duy trì được “thương hiệu” quán quân về năng lực cạnh tranh (PCI) 5 năm liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu từ việc xây dựng một nền móng vững chắc với hàng loạt cải cách mang tính tiên phong, đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Nhìn lại chặng đường tham gia điều tra đánh giá năng lực cạnh tranh, từ những năm đầu tiên, Quảng Ninh chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao khi nằm ở tốp cuối trong bảng xếp hạng. Đến năm 2016, Quảng Ninh xuất sắc vươn lên vị trí thứ 2, ngay năm sau vươn lên dẫn đầu các tỉnh, thành phố trên cả nước và duy trì vị trí đó suốt 5 năm liên tiếp (2017-2021).

Thành quả đó có được trước hết là từ quyết tâm chính trị rất cao với sự chủ động, quyết liệt, đổi mới trong chỉ đạo điều hành, tạo sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong nỗ lực xây dựng chính quyền liêm chính - hành động - phục vụ - kiến tạo phát triển, thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tiêu biểu phải kể đến việc tỉnh tiên phong đi đầu, làm mẫu thành lập và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở cấp xã; nỗ lực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính nhằm xây dựng một chính quyền phục vụ thực chất cho người dân, doanh nghiệp.

Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu thí điểm thành lập cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư chuyên biệt của tỉnh với nhiệm vụ kêu gọi, hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.

Cùng với đó là hàng loạt bước đi sáng tạo, đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với phương chấm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên liêm chính, dấn thân, sáng tạo, có kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách, phát triển…

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và duy trì được văn hóa đồng hành, văn hóa cam kết và văn hóa thực thi đối với cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với phương châm “giành được niềm tin của doanh nghiệp đã khó, giữ vững, nuôi dưỡng và tiếp tục nâng cao hơn nữa niềm tin đã có càng khó hơn”, Quảng Ninh luôn quan tâm, tập trung nghiên cứu, ban hành và thực hiện những chính sách hỗ trợ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, đáp ứng lại yêu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp.

Đơn cử như trong năm 2021, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Quảng Ninh nổi lên là điểm sáng về sự chủ động phòng chống dịch, giữ địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, thực hiện tốt mục tiêu kép.

Cùng với đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh triển khai tích cực và hiệu quả với việc thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe; thành lập các tổ công tác để kịp thời nắm bắt thông tin; ban hành nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Các sở, ngành, địa phương cũng nâng cao trách nhiệm, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong 4 tháng đầu năm 2022,  tỉnh đã tiếp nhận 59 kiến nghị của doanh nghiệp về một số nội dung trọng tâm như: hỗ trợ thuế, phí; hỗ trợ hoạt động kinh doanh; hỗ trợ vốn, vốn vay; bồi thường giải phóng mặt bằng; du lịch; quy hoạch; xây dựng. Tất cả các ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp đều được tỉnh và các sở, ngành chức năng, các địa phương trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản một cách rõ ràng, thoả đáng.

Từ năm 2021, Quảng Ninh đã thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ thủ tục về đầu tư, đất đai... hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.

Thiết lập trang zalo Quảng Ninh Investor Care để tiếp nhận, tương tác và phản hồi các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư; thành lập và duy trì hoạt động Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Trong bối cảnh dịch bệnh đã khiến tình hình thu hút đầu tư tại nhiều địa phương gần như “đóng băng”, trong năm 2021, nhờ sáng tạo, đa dạng, linh hoạt và quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách của Quảng Ninh vẫn đạt trên 360.000 tỷ đồng; trong đó, thu hút FDI thế hệ mới đạt gần 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2020 và đạt 269% kế hoạch thu hút vốn FDI của năm.

Năm 2021, tỉnh đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án FDI với số vốn đăng ký trên 960 triệu USD; cấp giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho 17 lượt dự án FDI, trong đó có 4 dự án có số vốn tăng thêm đạt gần 112 triệu USD…

Với quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, trong thời gian tới, Quảng Ninh vẫn sẽ xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, tiên phong trong văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi, thực sự phục vụ lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từ đó, để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư song hành cùng Quảng Ninh phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục