Quảng Ninh ưu tiên kết nối cảng biển

08:50' - 04/06/2022
BNEWS Cảng biển Quảng Ninh là một trong những khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng trưởng tốt, với mức tăng trung bình từ đầu năm đến nay đạt trên 10%.

Có được kết quả này do thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng cảng biển, đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

Nhiều ưu thế nổi trội

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, Quảng Ninh có nhiều ưu thế nổi trội để phát triển kinh tế biển như: Đường bờ biển kéo dài 250 km, nhiều cảng nước sâu. Đặc biệt, tỉnh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, các tuyến vận tải biển kết nối quốc tế... Cảng biển Quảng Ninh đang đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, chủ yếu là than, xăng dầu, hàng rời phục vụ nông nghiệp, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu hàng hoá, thiết bị, máy móc công nghiệp phụ trợ…

Với lợi thế của mình, Quảng Ninh đã sớm định vị kinh tế biển là động lực, mũi nhọn của nền kinh tế dịch vụ - công nghiệp. Hiện thực hoá mục tiêu này, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU với lộ trình định hướng đầy đủ, rõ ràng các kế hoạch phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn trong 3 giai đoạn 2019-2025 và 2026-2030 và đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2019-2025, tăng trưởng cảng biển của tỉnh bình quân 17,5%/năm; giai đoạn 2026-2030, tăng trưởng bình quân 18,5%, đầu tư thêm một số hạ tầng cảng; đến năm 2045, định hướng phát triển cảng biển và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác...

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU vừa được tỉnh Quảng Ninh tổ chức, mặc dù bị ảnh hưởng sâu sắc của dịch COVID-19 nhưng các hoạt động, doanh thu cảng biển cơ bản vẫn duy trì ổn định, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển không bị đứt gãy, có xu hướng tăng trưởng mạnh từ cuối năm 2021. Đồng thời, từng bước hoàn thành và phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, thông minh, có khả năng kết nối cao với các phương thức vận tải theo hướng hợp lý hóa, giảm thời gian, chi phí vận tải.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2019-2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh đạt trên 104 triệu tấn/năm; tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt gần 7.500 tỷ đồng, tăng 16,6%/năm.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã tháo gỡ được những điểm nghẽn từ quy hoạch đến đầu tư hạ tầng giao thông kết nối. Hiện 13 bến cảng trên địa bàn tỉnh được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở rất quan trọng để ưu tiên quỹ đất phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ hậu cần sau cảng, từ đó thu hút nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển cảng biển Quảng Ninh. Tỉnh tập trung huy động, thu hút mọi nguồn lực, chủ yếu là nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng giao thông kết nối cảng biển.

Ngày 24/10/2021, bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (thành phố Móng Cái) chính thức khởi công. Giai đoạn 1 của dự án có diện tích trên 82 ha, tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2024. Theo thiết kế, bến cảng này có bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT; bến sà lan, cầu dẫn, kho bãi đồng bộ, hạ tầng hiện đại, đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận định: Cảng biển Quảng Ninh là một trong số những cảng biển hàng đầu của quốc gia và là cảng biển quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Do đó, các cảng biển mới hình thành với hạ tầng đồng bộ, chắc chắn sẽ biến Quảng Ninh trở thành đầu mối cảng quan trọng trong bản đồ hàng hải quốc tế, hình thành lên những tuyến vận tải biển chiến lược.

"Bến cảng Vạn Ninh sẽ hình thành các tuyến vận tải ven biển lớn nhất, giảm thiểu chi phí vận tải của hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái, giảm giá thành logistics nói chung, làm tăng lợi thế cạnh tranh hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, giảm giá thành hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đó còn có ý nghĩa rất đặc biệt liên quan đến an toàn giao thông, bảo vệ môi trường", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc khởi công bến cảng Vạn Ninh là một trong những bước đi hiện thực hoá chiến lược của Quảng Ninh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, với định hướng lộ trình cụ thể trong Nghị quyết 15-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh từ năm 2019.

Trong năm 2022, Quảng Ninh phấn đấu cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 cảng Vạn Ninh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc (Khu kinh tế ven biển Quảng Yên), hỗ trợ và đón làn sóng tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao từ các khu công nghiệp trong tương lai gần.

Còn nhiều lực cản

Mặc dù có rất nhiều lợi thế, song các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hiện nay hoạt động cảng biển tại Quảng Ninh vẫn còn gặp không ít khó khăn, dẫn đến yếu tố cạnh tranh còn yếu, thiếu nguồn hàng. Hầu hết các cảng đang dư thừa năng lực, lượng hàng hóa thông qua các cảng còn ở mức khá khiêm tốn. Đơn cử như cảng biển khu vực Hòn Gai, mặc dù có đầy đủ các yếu tố trở thành khu vực cảng biển tổng hợp then chốt của Việt Nam và quốc tế, tuy nhiên, các hãng tàu nước ngoài đến cảng cũng như các chủ hàng còn đắn đo khi lựa chọn giữa cảng biển này với cảng biển Hải Phòng.

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất tại các bến cảng khu vực Hòn Gai là kết nối giao thông sau cảng. Bởi khoảng cách từ Hòn Gai đi các tỉnh phía Bắc dài hơn so với việc xuất phát đi từ Hải Phòng, điều này dẫn đến việc tăng phí vận tải nội địa cho các hãng tàu, chủ hàng. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ hàng hải tại khu vực Hòn Gai mới chỉ dừng lại ở việc làm đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt hỗ trợ, cung ứng một số loại hình dịch vụ đơn giản. Các dịch vụ đòi hỏi trình độ cao, như: Sửa chữa, bảo dưỡng máy móc tàu, lặn ngầm khảo sát thân vỏ tàu… còn phải huy động các cơ sở dịch vụ từ khu vực Hải Phòng thực hiện.

Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, để cảng biển phát triển, Quảng Ninh sẽ tổ chức rà soát, quy hoạch và có định hướng dài hơi cho từng vị trí cảng. Hướng phát triển cảng biển sẽ gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp để khai thác theo chiều sâu, có hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ bền vững để chủ tàu, chủ hàng, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ lựa chọn khu vực cảng biển Quảng Ninh; mở rộng các loại hình dịch vụ như: đại lý hàng hải, cung ứng thiết bị tàu biển, sửa chữa và đóng mới tàu, cho thuê bến bãi…

Đặc biệt, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để các chủ tàu, hãng tàu, thuyền yên tâm khi vào cảng Quảng Ninh. Các ngành chức năng phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, tạo thuận lợi nhất trong quá trình giao nhận hàng hóa tại cảng… Có như vậy, lợi thế cảng biển của Quảng Ninh mới phát huy được hiệu quả cao, trở thành một trong những ngành dịch vụ đứng đầu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục