Quảng Trị nâng cao giá trị sản phẩm các cây công nghiệp chủ lực

08:28' - 11/08/2021
BNEWS Tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện các giải pháp tăng giá trị sản phẩm các cây công nghiệp chủ lực dài ngày gồm: cà phê, cao su và hồ tiêu bằng việc tái canh và sản xuất theo hướng hữu cơ.

Đến tháng 8/2021, tỉnh Quảng Trị có trên 4.660 ha cà phê tập trung ở huyện miền núi Hướng Hóa; trong đó, có 4.200 ha đang cho thu hoạch nhưng năng suất và chất lượng không cao do hơn một nửa diện tích đã già cỗi.

Nhằm tăng năng suất và chất lượng, từ năm 2017 đến nay tỉnh đã hỗ trợ kinh phí giúp người dân tái canh được 490 ha cà phê.

Trong giai đoạn 2022 - 2026 tỉnh dự kiến hỗ trợ người dân trồng mới và tái canh từ 150 - 200 ha cà phê/năm nhằm ổn định vùng chuyên canh cà phê với diện tích từ 4.500 - 5.000 ha.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, từ năm 2022 - 2026, tỉnh sẽ chú trọng tái canh kết hợp với sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ và theo quy trình VietGAP nhằm tăng giá trị hạt cà phê, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Với cây hồ tiêu tỉnh có 2.500 ha tập trung ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Hiện nay tỉnh đang nhân rộng mô hình sản xuất tiêu hữu cơ. Mô hình này đã mang lại hiệu quả cao sau khi được xây dựng thí điểm ở xã Gio An, huyện Gio Linh.

Theo đó, tham gia sản xuất tiêu hữu cơ, nông dân không sử dụng phân bón vô cơ, chỉ tận dụng phân hữu cơ từ chăn nuôi để bón cho hồ tiêu, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học để thay thế thuốc bảo vệ thực vật.

Mô hình sản xuất tiêu hữu cơ, mỗi héc-ta cho năng suất từ 1,1 - 1,2 tấn/vụ, có đầu ra ổn định, giá bán cao, cho thu lãi từ 80 -100 triệu đồng/ha cao hơn nhiều so với trồng hồ tiêu truyền thống.

Ngành nông nghiệp Quảng Trị đang hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người trồng hồ tiêu trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người dân.

Với cây cao su, tỉnh Quảng Trị cũng đang thực hiện các giải pháp để ổn định diện tích như hiện nay với khoảng trên 19.000 ha, tập trung ở vùng gò đồi của các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ…

Sau nhiều năm giá mủ cao su xuống thấp chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng/kg thì năm 2021 giá mủ cao su đã tăng lên đạt từ 15.000 - 17.000 đồng/kg.

Khó khăn trong phát triển cây cao su ở Quảng Trị là giá mủ không ổn định và thường hay có gió bão khiến cây bị gãy đổ.

Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Quảng Trị, để phát triển cây cao su bền vững ngành nông nghiệp tỉnh đang rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch các vùng trồng loại cây này. Tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ tái canh những vườn cao su già cỗi, trồng mới các vùng cao su có điều kiện thuận lợi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mủ cao su./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục