Quế Trà Bồng - Quảng Ngãi được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý

17:22' - 21/12/2020
BNEWS Sản phẩm quế Trà Bồng vừa được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ ra Quyết định số 4525/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00094.

Ngày 21/12, bà Phan Thị Cẩm Vân, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghệ, thị trường công nghệ và chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi thông tin: Sản phẩm quế Trà Bồng nổi tiếng vừa được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ ra Quyết định số 4525/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00094. Đây là cơ hội để huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi) bảo vệ danh tiếng, giá trị sản phẩm quế bản địa, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Theo chỉ dẫn địa lý, quế Trà Bồng thuộc bộ Laurales, họ Lauraceae, tên thường gọi là quế bì, quế đơn; ngoài tên địa phương là quế Trà Bồng, còn có những tên gọi khác như giống quế nội hay giống quế bản địa. Theo chỉ dẫn địa lý, quế Trà Bồng có lá mọc so le, hình bầu dục nhưng thuôn dài, mặt trên của lá xanh đậm bóng, mặt dưới lá xanh nhạt. Thân cây không thẳng, không cao, có nhiều nốt sần nhỏ. Vỏ xù xì, bên ngoài có màu xám nâu.

Các sản phẩm từ quế đều có mùi thơm nồng đặc trưng, không ngái, vị cay ngọt pha lẫn vị đắng nhẹ... Hàm lượng Cinnamaldehyde trong tinh dầu của các loại sản phẩm quế Trà Bồng ở mức khá cao. Hầu hết các giá trị trung bình đều đạt mức trên 85%. Đặc biệt hàm lượng này trong sản phẩm tinh dầu vỏ và tinh dầu lá có mức trung bình đều đạt trên 89%. Mùi hương thơm nồng đậm đặc và có tính dược lý cao.

Khu vực địa lý bao gồm các xã: Hương Trà, Sơn Trà, Trà Bùi, Trà Giang, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà  Phong, Trà Sơn, Trà Tân, Trà Tây, Trà Thanh, Trà Thủy và Trà Xinh.

Bà Phan Thị Cẩm Vân cho biết thêm: Dự án xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” với đầy đủ các yếu tố cần thiết, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và tính chất pháp lý; hình thành trang thông tin quảng bá cho quế Trà Bồng tại địa chỉ http://quetrabong.com.vn và xây dựng được phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc quế Trà Bồng.

Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng thông tin, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm quế Trà Bồng bay cao vươn xa, tiếp cận thị trường sâu rộng hơn, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu, tăng thu nhập cho người dân. Định hướng trong thời gian tới huyện sẽ khuyến khích bà con phát triển, mở rộng diện tích trồng quế; kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đồng thời, tăng cường công tác quảng bá sản phẩm; áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng quế theo hướng hữu cơ để giữ vững thương hiệu.

Vùng quế Trà Bồng là một trong 4 vùng quế chính của nước ta, trước đây được gọi chung là “Quế Giao Chỉ" hay “Quế Quảng” thuộc vào hàng quý giá được sử dụng để làm quà ngoại giao, biếu tặng trong và ngoài nước. Mùi hương của quế Trà Bồng rất thơm (thơm nức, thơm nồng đậm đặc) và có tính dược lý cao, xếp vào loại “Tứ đại danh dược”, được dùng làm mỹ phẩm, làm thuốc, gia vị, hương vị cho món ăn kích thích tiêu hóa, làm bánh kẹo, hương đốt sử dụng nhiều trong các lễ hội, đền chùa, thờ cúng ở nhiều nước châu Á. Quế Trà Bồng đã lọt Top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam và Top 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đoạt kỷ lục châu Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục