Quốc hội khóa XV: Xây dựng pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp yêu cầu quốc tế

17:34' - 20/10/2022
BNEWS Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 20/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

*Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, nhằm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những hạn chế của các quy định của pháp luật, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới. Dự thảo Luật gồm 4 chương, 65 điều.

 

Về cơ bản, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành. Theo đó, phạm vi điều chỉnh quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Dự thảo Luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật hiện hành, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo, ví dụ: sửa đổi tên gọi hoạt động cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư thành hoạt động cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý; sửa đổi, bổ sung tên gọi các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng...

Việc sửa đổi, bổ sung tên gọi các hoạt động để phù hợp với nội hàm khái niệm của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Dự thảo Luật cũng bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

*Tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong ứng phó rủi ro

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ.

Ngoài ra, việc sửa đổi Luật cũng góp phần đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Ủy ban Kinh tế nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn và phù hợp với khuyến nghị của FATF, bao gồm cả việc phòng, chống rửa tiền và việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về đối tượng báo cáo (Điều 4, dự thảo luật), đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với việc sửa đổi, bổ sung tên gọi một số hoạt động của đối tượng báo cáo để phù hợp với quy định hiện hành có liên quan và phù hợp với nội hàm khái niệm của FATF. Một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ quy định về tiền điện tử có thuộc phạm vi tài sản ảo hay không, vì theo báo cáo của Chính phủ hiện chưa có khung pháp lý điều chỉnh về tài sản ảo nên chưa quy định ngay trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán vì tổ chức này không trực tiếp tham gia vào việc nắm giữ, quản lý, hỗ trợ việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản phạm tội trong lĩnh vực này, mà chỉ cung cấp kết quả phân tích, báo cáo, khuyến nghị, quyền quyết định thuộc về khách hàng.

Đối với các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với quy định tại dự thảo Luật về việc giao Chính phủ quy định sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong ứng phó với các thời cơ, cũng như rủi ro, thách thức mới. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc các hoạt động mới phát sinh nếu xâm phạm đến quyền, lợi ích của công dân thì cần phải được quy định trong Luật.

Trước đó, Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023 - 2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục