Quốc hội thông qua 2 luật, 1 Nghị quyết

18:52' - 21/11/2017
BNEWS Chiều 21/11, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản...
Chiều 21/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 21/11, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản (sửa đổi) và Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bổ sung chế độ con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện

Với 90,84% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 17 Luật hiện hành về tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện. Theo đó, thành viên cơ quan đại diện đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây: Là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; có đủ tiêu chuẩn, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu công tác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên cơ sở đề án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Riêng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn trên còn phải có các tiêu chuẩn, cụ thể: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; có trình độ đại học trở lên; có trình độ lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; đã được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ đối ngoại; sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công tác.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền phải nắm vững và có năng lực tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo; năng lực tổ chức, điều hành, tập hợp, đoàn kết nội bộ và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; có kinh nghiệm quản lý, công tác trong lĩnh vực đối ngoại; đã có thời gian giữ chức vụ phó vụ trưởng hoặc tương đương trở lên đồng thời có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt, căn cứ yêu cầu đối ngoại, địa bàn công tác, năng lực, uy tín cá nhân, do Chính phủ quy định.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cũng sửa đổi, bổ sung tên Điều 26, bổ sung điểm d khoản 1, bổ sung khoản 3 và khoản 4 vào Điều 26 của Luật hiện hành về chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện.

Cụ thể, bảo đảm chi phí đi lại trong trường hợp cha, mẹ hoặc cha, mẹ của vợ (chồng) hoặc vợ, chồng, con của thành viên cơ quan đại diện chết.

Con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện được hỗ trợ một phần học phí tại quốc gia tiếp nhận và chi phí mua bảo hiểm khám bệnh, chữa bệnh.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Điều chỉnh lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới

Với 89,21% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội tán thành điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm không tăng kinh phí; đồng thời bố trí đủ nguồn lực, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất để triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Khi chuẩn bị đủ các điều kiện, Chính phủ báo cáo Quốc hội thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trong phạm vi trách nhiệm của mình. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với việc triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Hoạt động thủy sản phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Tại phiên họp chiều 21/11, với 89% đại biểu tán thành, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi).

Luật gồm 9 chương, 105 điều quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý Nhà nước về thủy sản.

Luật Thủy sản (sửa đổi) áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi).

Về nguyên tắc hoạt động thủy sản (Điều 5), có ý kiến đề nghị kết cấu lại Điều 5 theo hướng: Khoản 1 quy định nguyên tắc phát triển thủy sản bền vững, hướng ra biển, gắn với quốc phòng, an ninh; bổ sung nội dung tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế; bổ sung nguyên tắc bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, đưa nguyên tắc “bảo vệ quốc phòng an ninh” lên khoản 1 và bổ sung nguyên tắc “bảo vệ môi trường” trong hoạt động thủy sản vào khoản 3 Điều 5 của dự thảo Luật; đồng thời chỉnh sửa một số nội dung khác ở Điều này như trong dự thảo Luật.

Theo đó, nguyên tắc hoạt động thủy sản là kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Hoạt động thủy sản phải bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Luật Thủy sản (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục