Quốc hội với dấu ấn đổi mới và những quyết sách chưa có tiền lệ

14:55' - 01/01/2022
BNEWS Năm 2021- năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã khép lại với dấu ấn là sự đổi mới mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. 

Ấn tượng nhất trong năm đầu của Quốc hội nhiệm kỳ mới là những đổi mới quyết liệt và nhiều quyết sách chưa có tiền lệ, khắc họa đậm nét hình ảnh Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân.

Năng động, đổi mới

Tuyên thệ trước Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định "… tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân..."

Vấn đề "đổi mới" đã được người đứng đầu Quốc hội liên tục nhắc tới trong các phát biểu trước Quốc hội, là sự khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong nhiệm kỳ khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, 75 năm qua Quốc hội luôn đồng hành cùng dân tộc, giai đoạn nào, điều kiện nào cũng hoàn thành trọng trách của mình, nhất là những khóa gần đây, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng lên. Điều này đặt ra cho Quốc hội khóa XV những áp lực về đổi mới, tinh thần là phải tiếp tục tiến lên.

Tinh thần đổi mới đã thể hiện rất rõ nét tại ngay tại Kỳ họp thứ nhất, đặt nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội khóa mới.

Trước diễn biến rất nhanh và nguy hiểm của đại dịch COVID-19, Quốc hội đã quyết định rút ngắn 3 ngày làm việc so với chương trình đã được thông qua, 8 ngày so với dự kiến ban đầu, dù khối lượng công việc không giảm.

Các đại biểu Quốc hội đã làm việc cả ngày chủ nhật và ngoài giờ để bảo đảm việc rút ngắn chương trình nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của Quốc hội, nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân.

Trao đổi bên lề phiên họp, nhiều đại biểu đánh giá đây là một cách giải quyết tình huống rất nhạy bén của lãnh đạo Quốc hội để các đồng chí lãnh đạo Trung ương và các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho nhân dân. 

Chia sẻ với cử tri Hải Phòng trong cuộc tiếp xúc định kỳ ngay sau Kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Quốc hội đã thể hiện sự chủ động, đổi mới, linh hoạt trong cách thức làm việc, tiến hành kỳ họp; sự phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội, Chính phủ.

"Các cơ quan của Quốc hội đã làm việc xuyên trưa, xuyên tối trên tinh thần làm hết việc chứ không làm hết giờ. Có những văn bản được lãnh đạo Quốc hội ký lúc 2 giờ sáng, có những văn bản được ký lúc 5 giờ sáng để kịp hoàn thiện trình Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, bắt nhịp rất nhanh với yêu cầu công việc của Quốc hội, với khát khao cống hiến, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Kỳ họp thứ 2 được tổ chức thành hai đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung và là kỳ họp được chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Tại kỳ họp này, Quốc hội chia làm 72 tổ, trong đó có 10 tổ ở Nhà Quốc hội, 62 tổ ở 62 tỉnh, thành phố - trừ Hà Nội họp tại Nhà Quốc hội. Khi thảo luận tổ ở địa phương, đại diện các sở, ngành có thể tham dự và cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội.

Trong đợt họp trực tiếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh được họp theo hình thức trực tuyến. Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ (họp tập trung nhưng vẫn có một Đoàn họp trực tuyến), cho thấy sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đồng thời, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các vị đại biểu Quốc hội, góp phần vào thành công chung của Kỳ họp.

Nhờ vậy, hoạt động thảo luận tại tổ và hội trường có số lượng ý kiến phát biểu lớn nhất từ trước tới nay: đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 08 phiên thảo luận tổ và 498 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường.

Việc đổi mới phương thức hoạt động thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được thực hiện quyết liệt, chủ động, tích cực ngay trong những kỳ họp đầu của nhiệm kỳ.

Điểm nổi bật trong năm 2021 là triển khai hệ thống họp trực tuyến eMeeting để đảm bảo duy trì thường xuyên các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; tổ chức các phiên họp trực tuyến của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội với các quốc gia, các tổ chức quốc tế mà Quốc hội Việt Nam là thành viên và các cuộc họp toàn thể của các Ủy ban của Quốc hội; triển khai hệ thống truyền hình phục vụ các hội nghị trực tuyến…

Để hỗ trợ, tăng hiệu quả cho cho các phiên họp diễn ra trực tuyến, Quốc hội đã đồng ý cho áp dụng hệ thống biểu quyết trực tuyến bằng hệ thống điện tử được cài đặt trên Ipad của đại biểu.

Sự mạnh dạn áp dụng công nghệ để đổi mới này không chỉ là sự thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp mà có là những bước đi để cụ thể hóa việc xây dựng Quốc hội điện tử.

>>10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021

Chuẩn bị từ sớm, từ xa

Dù mới trải qua hai kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội khóa mới đã để lại dấu ấn trên nhiều phương diện. Đáng chú ý là việc hoàn thành chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội về triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp 107 nội dung đề án trên các lĩnh vực: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đổi mới phương thức hoạt động trong 5 năm tới, thể hiện rõ tinh thần "Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm" của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV.

Điểm mới và nổi bật trong Chương trình hành động đó là thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời yêu cầu tính đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững, được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn 10 năm 2021 - 2030.

Trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19/KL-TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đây là cơ sở hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Có thể thấy, các dự án luật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Quốc hội khóa XV đã có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Để chuẩn bị cho các dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, vào trung tuần tháng 8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch đã dành trọn một ngày làm việc với Thường trực của một số Ủy ban của Quốc hội về việc triển khai thẩm tra các dự án luật này.

Đây là các dự án luật "mở hàng" cho việc thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2. Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Quốc hội đã đưa ra các định hướng lớn nhằm chuẩn bị kỹ hơn cho công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng luật có "tuổi thọ" ngắn, phải sửa đổi liên tục và bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Trong kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề. Kết thúc kỳ họp, nhiều đại biểu đánh giá đây là kỳ họp lịch sử khi ngay tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã có tầm nhìn dài hạn, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho cả nhiệm kỳ. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua 2 luật, 12 nghị quyết, cho ý kiến 5 dự án luật và quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, năm 2021, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và hậu giám sát.

Những quyết sách chưa có tiền lệ

Ngay tại Kỳ họp thứ nhất, khi dịch COVID-19 đang diễn biết rất phức tạp, Quốc hội đã chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chương trình thảo luận và bổ sung vào nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chỉ sau hai ngày khi các đại biểu đề xuất, các cơ quan của Quốc hội đã rất quyết liệt và khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua.

Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết chung của kỳ họp (Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội) trong đó Quốc hội đồng ý trao một số quyền cho Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào từng nhiệm vụ cụ thể sẽ cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết nhanh những vấn đề có thể chưa có quy định của luật, nhưng cần thiết để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.

Đây là điều chưa từng có trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam, thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Trong thời gian Quốc hội không họp nhưng với tinh thần khẩn trương, đồng hành cùng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức một số phiên họp bất thường để kịp thời ban hành hàng loạt các quyết sách đặc biệt với một số nội dung mang tính lịch sử, lần đầu tiên được áp dụng, góp phần hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19.

Đó là Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 với khoản hỗ trợ khoảng 38.000 tỷ đồng thông qua phát tiền mặt trực tiếp cho người lao động là quyết sách lịch sử lần đầu tiên được quyết định, nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những phiên họp khẩn, những nghị quyết chưa có tiền lệ là những hành động quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết ngay những yêu cầu cấp bách của cuộc sống. Điều này đã khắc họa đậm nét tinh thần đổi mới của một Quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Và đặc biệt, ngay những ngày đầu tháng 1/2022, Quốc hội sẽ họp kỳ bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chủ động giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến nhất trí thông qua 4 nội dung cơ bản để trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong đó có dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Những đổi mới ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ đã để lại dấu ấn sâu đậm, khắc họa một Quốc hội năng động, hành động quyết liệt vì dân./.

>>Từ ngày 1/1/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục