Quốc lộ 2 nối Hà Giang - Tuyên Quang sạt lở khiến giao thông tê liệt

17:09' - 21/07/2020
BNEWS Mưa lớn kéo dài, tuyến đường Quốc lộ 2 nối từ Hà Giang - Tuyên Quang, đoạn thuộc khu vực đầu thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên đã xảy ra đạt lở đất khiến Quốc lộ 2 bị chia cắt hoàn toàn.
Do mưa lớn kéo dài nhiều giờ, suốt từ đêm ngày 20/7 đến sáng ngày 21/7, tuyến đường Quốc lộ 2 nối từ Hà Giang - Tuyên Quang, đoạn thuộc khu vực đầu thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên đã xảy ra đạt lở đất trên ta-luy dương khiến Quốc lộ 2 bị chia cắt hoàn toàn.

Theo ông Đinh Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ 1.8 - Cục Quản lý Đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), theo tính toán sơ bộ, khối lượng đất đá sạt lở, sụt khoảng hàng nghìn mét khối, vùi lấp hoàn toàn mặt đường khiến các phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 2 từ Hà Giang đi Tuyên Quang, Hà Nội và ngược lại đều bị ách tắc nhiều giờ từ đêm 20/7 đến chiều 21/7".

Hiện Chi cục Quản lý Đường bộ 1.8 đang phối hợp với các đơn vị thi công đưa các phương tiện, máy móc khẩn trương xử lý khu vực sạt lở. Dự tính việc hót sạt, sụt sẽ còn kéo dài vì trời vẫn còn mưa, khối lượng sụt và sạt lở lớn. Nếu thời tiết không mưa, dự kiến đến khoảng 20 giờ ngày 21/7 các phương tiện mới có thể lưu thông trở lại.

Mưa lũ đã khiến hàng trăm ngôi nhà ở thành phố Hà Giang và một số địa phương trong tỉnh bị ngập, đất đá sạt lở tràn vào nhà dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Do lượng nước từ trên núi đổ xuống và từ các sông, suối tràn vào ban đêm và rạng sáng nên nhiều gia đình không kịp di chuyển đồ đạc.

Nhiều ngôi nhà nước ngập cao trên 1 mét, có những nhà chìm sâu trong nước khiến tài sản có giá trị của nhiều gia đình hư hỏng nặng. Mưa lũ kéo dài nhiều giờ còn khiến diện tích hoa màu, cây trồng của một số địa phương như: thành phố Hà Giang, huyện Hoàng Su Phì, huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang bị thiệt hại nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, trước những thiệt hại do mưa lũ tại một số địa phương của tỉnh Hà Giang và dự báo khả năng còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy  Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các giải pháp để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Đồng thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ mai táng phí cho người chết theo chế độ quy định. Cùng đó, bố trí chỗ ở tạm thời cho hộ gia đình có nhà ở bị vùi lấp; cấp ủy, chính quyền các địa phương cần lựa chọn, xác định địa điểm và hỗ trợ làm nhà ở mới cho hộ bị thiệt hại để đảm bảo an toàn, bền vững.

Sở Công Thương Hà Giang đã cử các đoàn công tác khẩn trương đi kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy trình vận hành đón, xả lũ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn, đặc biệt là trên hệ thống sông Miện và sông Lô.

Hiện Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và bố trí nhiều phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Giang và một số địa phương cứu hộ cứu nạn, khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cũng yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp với các địa phương thống kê tình hình thiệt hại. Đặc biệt, các đơn vị cần theo dõi, bám sát tình hình thời tiết, tổ chức trực nghiêm túc 24/24 giờ để xử lý thông tin kịp thời. Khi phát sinh các tình huống, cần khẩn trương thực hiện tốt phương án đã xây dựng và phương châm "4 tại chỗ" để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục