Quy định cơ chế quản lý, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

19:32' - 05/12/2021
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ cho ý kiến vào quý IV/2021.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương đề nghị các thành viên Ban soạn thảo xây dựng Nghị định góp ý xây dựng dự thảo bám sát trên quan điểm không được làm khó hơn quy định đã có, không quy định thêm những gì pháp luật đã có, xây dựng nghị định để tạo thuận lợi hơn cho việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phân cấp mạnh, không quy định quá chi tiết…

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Nghị định để tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương và các đối tượng chịu tác động theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, đã có ý kiến tham gia của của 27 cơ quan trung ương và 61 địa phương; các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị định, đồng thời, có nhiều ý kiến tham gia góp ý cụ thể vào từng nội dung dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định có tên gọi là “Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” được bố cục thành 8 Chương, 45 Điều.

Phạm vi điều chỉnh gồm: lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm; huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia; giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia.

Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, gồm 7 điều, có kế thừa các nội dung quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP; đồng thời, bổ sung các quy định mới tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực hiện Nghị định 161/2016/NĐ-CP ở giai đoạn 2016-2020; cụ thể hóa quy định của Quốc hội tại các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, cơ chế thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, gồm 6 điều là những nội dung đề xuất nhằm cụ thể hóa yêu cầu xây dựng “cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện” của Quốc hội tại các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm 5 điều quy định cụ thể về công tác tổ chức quản lý đối với các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định Luật Đầu tư công và kế thừa quy định tại Điều 13, Điều 15 Quy chế 41; đồng thời, bổ sung làm rõ giải pháp nâng cao năng lực quản lý, thực hiện và truyền thông về chương trình mục tiêu quốc gia cấp cơ sở, tại cộng đồng để cụ thể hóa nguyên tắc về “phân cấp, trao quyền”, “lồng ghép” tại các nghị quyết của Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia và theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đối với giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia, gồm 5 điều, kế thừa quy định Chương V Quy chế 41; đồng thời, bổ sung, cụ thể hóa quy định tại Luật Đầu tư công về giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia …/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục