Quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi đăng ký thường trú

07:32' - 07/07/2023
BNEWS Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nghị quyết nêu rõ: Đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố Hà Nội trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Luật Cư trú năm 2020; cơ quan đăng ký cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội; UBND các cấp, tổ chức, cá nhân sở hữu chỗ ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ.

Quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố Hà Nội như sau: Đối với khu vực ngoại thành là 8m/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m/sàn/người. Diện tích nhà ở tối thiểu tại quy định này là diện tích được tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.

Theo nghị quyết, HĐND thành phố Hà Nội giao UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định. Quá trình thực hiện có rà soát, đánh giá các tác động báo cáo HĐND thành phố điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp theo thực tế phát triển của thành phố Hà Nội.

 

HĐND thành phố Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của HĐND thành phố năm 2024 nhằm thúc đẩy giám sát các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, HĐND thành phố Hà Nội xem xét báo cáo của UBND thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, dự toán thu, chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và cả năm 2024 của thành phố; báo cáo công tác của Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác theo quy định của Luật.

Theo Nghị quyết, HĐND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện chất vấn UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố, thành viên khác của UBND thành phố, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND thành phố và cá nhân liên quan đến vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. HĐND thành phố cũng giám sát chuyên đề nội dung về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội. Phạm vi giám sát về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội là từ ngày 1/1/2021 đến thời điểm giám sát.

Đối tượng giám sát là UBND thành phố, các sở, ban, ngành của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan. HĐND thành phố Hà Nội cũng thống nhất giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm từ 2021-2025. Phạm vi giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm từ 2021-2025 là từ ngày 1/1/2021 đến thời điểm giám sát. Đối tượng giám sát gồm UBND thành phố, các sở, ban, ngành của thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã.

Ngoài ra, HĐND thành phố thống nhất việc giám sát của Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND thành phố. Cụ thể, việc giám sát căn cứ trên cơ sở lĩnh vực, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định theo pháp luật; kiến nghị, phản ánh và những vấn đề cử tri quan tâm; thực tiễn phát sinh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; các cơ chế, chính sách của Thành phố; chương trình công tác năm 2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố và theo chỉ đạo, phân công, điều hòa của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và các vị đại biểu HĐND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện.

Cũng tại Kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố. Theo đó, đối tượng áp dụng  Nghị quyết là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ thường xuyên tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân căn cứ vào vị trí việc làm cụ thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho từng đơn vị.

Riêng Ban tiếp công dân thành phố có đối tượng được hưởng là người lao động tại Ban tham gia quá trình tiếp công dân và xử lý đơn. Đối với vị trí lãnh đạo bộ phận tiếp công dân là chức danh kiêm nhiệm ở các cơ quan, đơn vị (trừ Trưởng ban Tiếp công dân cấp huyện), mức hỗ trợ không quá 50% tổng số ngày làm việc. Mức hỗ trợ đối với đối tượng chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra ở cấp thành phố là 120.000 đồng/người/ngày làm việc; cấp quận, huyện, thị xã là 100.000 đồng/người/ngày làm việc.

Mức hỗ trợ đối với đối tượng đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra ở cấp thành phố là 100.000 đồng/người/ngày làm việc; cấp quận, huyện, thị xã là 80.000 đồng/người/ngày làm việc. Công tác lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ tuân theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Nghị quyết cũng quy định, kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm thực hiện theo quy định. HĐND thành phố Hà Nội giao UBND thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong quá trình thực hiện, nếu vướng mắc, cần sửa đổi bổ sung, UBND thành phố kịp thời báo cáo Thường trực HĐND thành phố để giải quyết theo thẩm quyền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục