Quy hoạch để phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển và luồng cảng nước sâu

15:14' - 26/11/2022
BNEWS Mục đích của việc quy hoạch phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng và kinh tế - xã hội Quảng Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Ngày 26/11, tại thành phố Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến về kết quả nghiên cứu, đề xuất quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu theo quy hoạch.

 

Qua đó, tiến tới hoàn chỉnh quy hoạch, phát triển cảng biển Quảng Nam và lộ trình đầu tư tuyến luồng hàng hải qua Cửa Lở cho tầu 50.000DWT.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể là cần thiết để cảng biển Quảng Nam phát triển đồng bộ, liên tục trong quy hoạch tổng thể, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên; tích hợp đồng bộ với quy hoạch tỉnh đang triển khai thực hiện.

Mục đích của việc quy hoạch phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng; kinh tế - xã hội Quảng Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn thách thức mới, hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng găy gắt, phức tạp…,  nghiên cứu quy hoạch được xây dựng song hành với quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia của các lĩnh vực khác.

Theo ông Lê Trí Thanh, từ 1 bến cảng Kỳ Hà, Quảng Nam từ khi có Khu Kinh tế mở đã phát triển thêm bến mới tại khu vực Tam Hiệp với chiều dài luồng  trên 11km. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, song năm 2021 lượng hàng qua cảng Tam Hiệp đạt 2,5 triệu tấn; năm 2022 dự kiến đạt trên 4 triệu tấn; là một trong những địa phương có tốc độ phát triển lượng hàng hoá qua cảng khá của cả nước.

Sự phát triển này là yêu cầu đặt ra đối với việc đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực tiếp nhận của khu vực cảng quan trọng, không chỉ cho Khu Kinh tế mở Chu Lai mà còn cho cả khu vực miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây trong tương lai...

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc triển khai các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; trong đó có "Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" đang được Cục Hàng hải Việt Nam triển khai thực hiện.

"Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" được Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức nghiên cứu nhằm phát triển đồng bộ cảng biển Quảng Nam phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trên cơ sở đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi gửi kết quả nghiên cứu cho Cục Hàng hải Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và phê duyệt.

Việc này nhằm làm cơ sở triển khai dự án Nạo tuyến vét luồng Cửa Lở cho tầu 50.000 tấn - dự án được Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao cho UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định những ý kiến về kết quả nghiên cứu.

Qua đó, đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề xuất Đầu tư luồng cảng biển nước sâu theo quy hoạch; xác định cụ thể công suất từng nhóm cảng. Quy hoạch tính chất, chức năng, cỡ tầu, không gian phát triển của từng cảng biển.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang nhận định, sau 20 năm từ việc xây dựng quy hoạch đến tổ chức triển khai thực hiện, đầu tư xây dựng khai thác cảng biển đã có một hệ thống cảng biển đồng bộ và khá hiện đại với tổng cộng 6 nhóm cảng biển và năng lực thông quan gần 800 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, sản lượng hàng hoá thông quan năm 2021 là hơn 700 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 2 con số. Cảng biển đang được xây dựng đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu về hàng hoá xuất nhập khẩu, hàng hoá vận tải nội địa và kể cả trong bối cảnh dịch COVID-19, cảng biển của Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng đáp ứng đầy đủ yêu cầu này.

Đặc biệt, có nhiều bến cảng được đầu tư xây dựng hiện đại, khả năng tiếp nhận các tàu biển lớn nhất thế giới đến 200 nghìn tấn, cá biệt có những bến chuyên dùng tiếp nhận tàu đến 300 nghìn tấn. Chất lượng được đánh giá cao, giá dịch vụ ở mức thấp hơn so với mức giá bình quân các nước trong khu vực. Giá dịch vụ dân dụng ở các cảng biển đều ở mức thấp hơn so mức giá bình quân các nước trong khu vực.

Trong hệ thống cảng biển, cảng biển Quảng Nam thời gian qua có tăng trưởng đáng khích lệ, năm 2021 đạt 2,52 triệu tấn, mức tăng trưởng đạt trên 16%, số lượng tàu lớn ra vào ngày càng nhiều.

Hơn nữa, cảng biển ở Quảng Nam còn đáp ứng vai trò tránh trú bão trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân việc đầu tư xây dựng phát triển cảng biển Quảng Nam chưa được như quy hoạch. Đáng lưu ý, một trong những nguyên nhân đó là điểm nghẽn về tuyến luồng. Đây là nguyên nhân nhưng cũng là cơ hội để nghiên cứu đầu tư tuyến luồng.

Ngay trước khi Bộ Giao thông Vận tải triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển quốc gia, Quảng Nam đã chủ động nghiên cứu đề xuất tuyến luồng mới cho tàu đến 50 nghìn tấn, đây là vấn đề đột phá. 

Đề án được nghiên cứu sâu, bài bản, cẩn trọng để có được kết quả nghiên cứu là tiền đề quan trọng để Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ đề xuất xây dựng tuyến luồng mà đề xuất tổng thể toàn diện tuyến luồng, kể cả đầu tư quy hoạch về bến cảng, khu phi thuế quan, khu công nghiệp hậu cần sau này.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vân tải đề nghị tư vấn nghiên cứu thêm về tiến độ đầu tư. Trong bối cảnh nhu cầu lớn, phân kỳ vừa đầu tư vừa khai thác, không đợi đến khi luồng đón tàu 50 nghìn tấn.

Cùng đó, lưu ý bổ sung quy hoạch khu neo trong luồng nước cảng biển. Song song lộ trình đầu tư tuyến luồng mới, cần nghiên cứu đề xuất đầu tư duy tu tuyến luồng cũ… để hoạch định, quy hoạch, đầu tư khai thác cảng biển hiện hữu tạo sức thu hút đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục