Quy hoạch Điện VIII: Câu chuyện ưu tiên cân bằng năng lượng vùng miền

17:13' - 26/03/2021
BNEWS Theo ý kiến từ các đơn vị như Cục Công nghiệp, Tổng công ty Truyền tải điện,..., Quy hoạch Điện VIII cần ưu tiên cân bằng năng lượng vùng miền để tránh xây dựng quá nhiều lưới điện truyền tải.

Tiếp tục góp ý cho Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) được Bộ Công Thương gửi các bộ, ngành và cơ quan liên quan, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc bố trí các nhà máy nhiệt điện khí, kho, cảng liên quan.

*Tránh đầu tư dàn trải

Theo đó, ý kiến của các đơn vị như Văn phòng Ban chỉ đạo về Phát triển điện lực, Vụ Dầu khí và Than, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, cần cân nhắc tỷ trọng nhiệt điện khí LNG và bố trí cụm nhà máy nhiệt điện LNG, vì toàn bộ chi phí vốn đầu tư kho cảng, đường ống cấp khí đến nhà máy sẽ tính trong giá LNG đến nhà máy, phối hợp lồng ghép với phát triển hệ thống cảng biển.

Nếu phát triển quá dàn trải sẽ làm tăng chi phí giá điện ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và không thực hiện được dự án.

Các ý kiến cũng đề nghị Quy hoạch Điện VIII nghiên cứu khả năng quy hoạch các kho cảng LNG tập trung và phương án trung tâm điện lực tập trung để nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm giá thành khí cho điện.

Lý giải về kiến nghị trên, các ý kiến cho rằng, việc bố trí các cụm nhà máy LNG cũng sẽ được kết hợp với quy hoạch cảng và nhu cầu khí ngoài điện ở các vùng, chứ không phát triển dàn trải làm tăng chi phí giá điện. Quy hoạch Điện VIII đã tính toán đề xuất quy mô nguồn điện LNG theo vùng.

Kết quả cho thấy, nhu cầu LNG cho sản xuất điện chỉ tập trung tại Bắc bộ và Nam bộ. Việc nghiên cứu quy hoạch các kho cảng LNG tập trung là rất cần thiết, tuy nhiên không chỉ riêng quy hoạch điện có thể làm được, cần phối hợp với nhu cầu khí của các hộ tiêu thụ ngoài điện và các ngành khác để thực hiện.

Hiện tại, quy hoạch hệ thống kho cảng đầu mối LNG và hệ thống hạ tầng thuộc phạm vi của Quy hoạch Năng lượng quốc gia, đang triển khai song song cùng với Quy hoạch Điện VIII.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, cần thiết có các nghiên cứu cụ thể, đồng bộ với các quy hoạch ngành về hạ tầng nhập khẩu, kho bãi và hệ thống đường ống vận chuyển LNG phục vụ phát điện và các nhu cầu sử dụng nhiệt khác nhằm đảm bảo tối ưu, tránh chồng chéo và lãng phí vốn đầu tư của xã hội.

*Giảm áp lực đầu tư lưới truyền tải

Theo ý kiến từ các đơn vị như Cục Công nghiệp, Tổng công ty Truyền tải điện, Truyền tải điện miền Trung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Quy hoạch Điện VIII cần ưu tiên cân bằng năng lượng vùng miền để tránh xây dựng quá nhiều lưới điện truyền tải.

Hệ thống truyền tải liên vùng không được duy trì mang tải cao trong quá trình vận hành bình thường, chỉ nên mang tính chất liên lạc, hệ thống truyền tải liên vùng chỉ hoạt động mang tải tối đa trong trường hợp các vùng lân cận có sự cố.

Do vậy, xem xét lại phân bố nguồn tại các vùng cho hợp lý nhằm giảm áp lực đầu tư các dự án lưới điện truyền tải (một số khu vực có tỷ lệ nguồn/nhu cầu phụ tải rất lớn: Trung Trung bộ 107%, Nam Trung bộ 362%, Tây Nguyên 303%).

Đồng thời, cần xem xét định hướng phát triển thêm nguồn điện tại chỗ tại khu vực Bắc bộ để giảm đầu tư lưới truyền tải liên kết Bắc -Trung (với kịch bản cơ sở: tổng công suất truyền tải Trung Trung bộ-Bắc Trung bộ-Bắc bộ lên đến 9 GW trong giai đoạn 2030-2045).

Giải trình cho vấn đề này, các ý kiến đóng góp, việc ưu tiên cân bằng năng lượng vùng miền là một trong những tiêu chí của bài toán quy hoạch điện.

Điều này đã được tính đến trong hàm mục tiêu tối thiểu hóa chi phí của mô hình quy hoạch nguồn điện; trong đó có tích hợp cả nguồn điện và lưới điện truyền tải liên vùng. Về nguyên tắc, khi hệ thống được chia thành các miền đủ lớn để tiềm năng xây dựng nguồn điện của mỗi miền có thể đáp ứng được nhu cầu phụ tải của từng miền.

Tuy nhiên, khi hệ thống điện được chia thành nhiều vùng nhỏ hơn (nhằm nghiên cứu về lưới điện truyền tải tốt hơn) thì lưới truyền tải liên vùng lại có thể là lưới truyền tải từ các trung tâm nguồn điện về các trung tâm phụ tải.

Do khu vực Bắc bộ có nhu cầu phụ tải cao nhưng tiềm năng xây dựng nguồn điện hạn chế, chi phí xây dựng nguồn điện than, khí nhập khẩu cũng sẽ cao hơn các vùng miền Trung, vì vậy một phần nhỏ công suất nguồn ở miền Trung sẽ được lựa chọn để cấp cho Bắc bộ.

Ngoài ra, nguồn điện khí nằm ở miền Trung cũng sẽ phải truyền tải ra Bắc bộ để tiêu thụ. Các vấn đề này đã khiến lưới điện truyền tải từ miền Trung ra Bắc luôn phải tải cao và cần mở rộng lưới truyền tải liên vùng.

Quy hoạch đã xem xét xây dựng thêm các nguồn điện tại chỗ khu vực Bắc bộ, như: Nhiệt điện khí LNG Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghi Sơn...

Tuy nhiên khả năng phát triển về năng lượng tái tạo, về nguồn điện miền Bắc không thuận lợi như khu vực Trung bộ, Nam Trung bộ..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục